Dân số Việt Nam thay đổi, đòi hỏi giải pháp hiệu quả
Sự tăng trưởng dân số nhanh chóng trong nhiều thập kỷ qua đã mang lại cơ hội cho Việt Nam, nhưng cũng tạo ra thách thức lớn, đòi hỏi giải pháp toàn diện và bền vững.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong công tác dân số
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia dân số và phát triển, tốc độ gia tăng dân số ở Việt Nam đã được kiểm soát thành công trong những năm qua. Tỉ lệ tăng dân số hằng năm giảm từ 1,7% trong giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,14% trong giai đoạn 2009-2019. Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì tổng tỉ suất sinh (TFR) ở mức 2,0-2,1 con/phụ nữ.
Cơ cấu dân số đã chuyển dịch tích cực, với lực lượng lao động trong độ tuổi gia tăng mạnh mẽ, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Tình trạng suy dinh dưỡng và tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em đã giảm mạnh. Tầm vóc và thể lực của người Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007, tạo cơ hội để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh những thành tựu mà công tác dân số đạt được đã đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước đây và tiến tới thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).
Nhưng còn nhiều thách thức
Theo Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng, trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ, đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (ước năm 2024 là 112/100). Vấn đề về nâng cao chất lượng dân số, phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số; vấn đề truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân còn nhiều bất cập.
Nguồn lực cả Trung ương và địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình hình mới. Bộ máy tổ chức làm công tác dân số tại Trung ương cũng như địa phương có sự thay đổi...
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Năm 2023, dân số Việt Nam đạt trên 104 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 16% dân số; dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, quy mô dân số của Việt Nam là khoảng 104 triệu dân. Việt Nam là quốc gia thứ 15 trên thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á có dân số trên 100 triệu người. Tốc độ tăng dân số ở Việt Nam là 0,84%.
Cũng theo ông Lê Thanh Dũng, Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số, đồng thời xây dựng báo cáo về Thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong dự thảo Luật Dân số. Trong đó, có chính sách về duy trì mức sinh thay thế nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây.
Ông Lê Thanh Dũng cho biết, đề xuất này chỉ là một trong nhiều giải pháp để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, tránh mức sinh tiếp tục giảm.
“Quy định kỷ luật sinh con thứ 3 từ lâu không áp dụng với người dân. Tuy nhiên, đối với đảng viên sinh con thứ 3, Bộ Y tế đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngừng hiệu lực quy định về số con theo Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1 và Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22.11.2022, nhằm không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên” - ông Dũng cho biết.