• :
  • :

Dấu ấn người lãnh đạo trên các công trình tiêu biểu của Hà Nội

Nói đến TS.BS Nguyễn Quốc Triệu là nói đến những dấu ấn giản dị đời thường nhưng đậm sâu trên cương vị người thầy thuốc Nhân dân. Còn với Hà Nội, ở cương vị Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã cùng với tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND TP ngày đêm trăn trở và luôn sáng tạo góp phần hoàn thành nhiều công trình tiêu biểu của Thủ đô.

Nối gần y tế tuyến trên với tuyến dưới

TS.BS Nguyễn Quốc Triệu, sinh ngày 22/6/1951 tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, hiếu học.

Giữa cuộc sống vô vàn khó khăn của chiến tranh, nghèo khó…, cậu học trò Nguyễn Quốc Triệu đã cố gắng vươn lên, thi đỗ vào học Trường Đại học Y Hà Nội năm 1968.

Đến năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với nhiều bạn bè sinh viên cùng trang lứa, sinh viên y khoa Nguyễn Quốc Triệu gác lại việc học tập tham gia quân ngũ tại đơn vị C24-E18- Sư đoàn 325, và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt năm 1972.

Ngay tại mặt trận Thành Cổ - Quảng Trị ngày 25/8/1972, sinh viên y khoa Nguyễn Quốc Triệu đã vinh dự được kết nạp vào Đảng giữa bom đạn oanh tạc, thậm chí bị thương trong một đợt không kích dữ dội của địch, trở thành thương binh hạng 4/4, ông tiếp tục về học tập tại Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành bác sĩ, làm giảng viên tại nhà trường.

Dấu ấn người lãnh đạo trên các công trình tiêu biểu của Hà Nội

TS.BS Nguyễn Quốc Triệu

Nói đến TS.BS Nguyễn Quốc Triệu là nói đến những dấu ấn giản dị đời thường nhưng đậm sâu. Trong đó, khi được giao làm chuyên môn đến quản lý hay khi làm giảng viên, ông luôn nỗ lực thay đổi, khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.

Đặc biệt, với cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, Ban cán sự, đồng chí đã phát huy, huy động được sức mạnh tập thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã lãnh đạo ngành Y tế có những tham mưu cho cấp trên ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Chỉ thị số 06/2007/ CT-BYT về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân, tập trung giải quyết 5 vấn đề: Hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện; nâng cao năng lực y tế cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao y đức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sửa đổi, bổ sung một số văn bản quản lý về công tác khám, chữa bệnh;

Ông cũng là Trưởng Ban chỉ đạo soạn thảo thông qua Quốc hội được 5 luật về y tế; Trái phiếu Chính phủ xây dựng sửa chữa 595 bệnh viện tuyến huyện và trên 70 bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên nhi, lao, trung tâm ung bướu tuyến Trung ương; tham mưu và trình Quốc hội thông qua Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011; Nghiên cứu và ứng dụng thành công một số công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị đặc biệt là ghép tạng và nhiều thành tựu khác…

Một trong những dấu ấn đặc biệt của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khi ông là người khởi xướng và đầy tâm huyết ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT với Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".

Nhiều công trình để lại dấu ấn Thủ đô

Với Hà Nội, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu đã có nhiều năm tháng gắn bó, kinh qua nhiều cương vị quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cán bộ quân đội, cán bộ trường Đại học Y Hà Nội, cán bộ Thành đoàn Hà Nội, đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Hà Nội (từ tháng 7/1991 - 10/1994, hàm Giám đốc Sở Y tế).

Tháng 3/1994, ông được bổ sung làm Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội, từ tháng 10/1994 - 12/1999, là Đại biểu HĐND TP, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Dấu ấn người lãnh đạo trên các công trình tiêu biểu của Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trao Huy hiệu Đảng tặng đồng chí Nguyễn Quốc Triệu

Từ tháng 12/1999 - 5/2004, với những cống hiến và thành tích công tác, ông được đảng và nhà nước giao đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng: Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Đại biểu HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIII, XIV, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội từ tháng 5/2004 - 8/2007.

Với cương vị Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, công việc vô cùng bộn bề, TS Nguyễn Quốc Triệu đã cùng với tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND TP ngày đêm trăn trở và luôn sáng tạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều công trình để lại dấu ấn của Thủ đô trong giai đoạn này như chỉ đạo tự lực nguồn vốn địa phương để xây dựng cầu Vĩnh Tuy, góp phần giải tỏa cho lưu thông quan trọng phía Đông Nam của TP; phê duyệt dự án và cắm mốc xây dựng cầu Nhật Tân, Cầu Đông Trù, những cây cầu gắn kết giao thông quan trọng của Thủ đô; xây dựng đường xung quanh Hồ Tây góp phần giữ được cảnh quan đẹp đẽ như ngày nay.

Ông cũng là Trưởng Ban Tổ chức Đại hội thể thao Đông nam Á lần thứ 22 (SEA Games năm 2003); xây dựng Tượng đài Lý Thái Tổ; tôn tạo và sửa chữa nâng cấp khu Văn miếu Quốc Tử Giám; đề xuất và phê duyệt xây dựng Trường chuyên Amsterdam,...

Trải qua những cương vị quản lý của nhiều lĩnh vực khác nhau, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu đã để dấu ấn sâu sắc, nhiệt thành, tận tụy. Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý "đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc", Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy hiệu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 6
Tác giả: Hạnh Nguyên
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...