Giải ngân vốn đầu tư công 3 quý dưới 50%, áp lực quý IV là rất lớn
Hết quý III/2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 47,29% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công về đích cần phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án và có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính...
Đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 30.9.2024, ước giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 320.566 tỉ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tỉ lệ giải ngân này không đạt được như kỳ vọng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch. Còn Hà Nội được giao hơn 81.033 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.
Đáng nói vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn, song tỉ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỉ lệ giải ngân chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Trong khi tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ giải ngân đạt hơn 47% là tốc độ tương đối chậm. Theo đúng tiến độ, hết quý III/2024 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt được trong khoảng 60-80%.
“Để tiến đến gần nhất mục tiêu, trong quý IV/2024 cần phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai và tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách quy định liên quan đến các thủ tục về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các địa phương cũng cần có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; gỡ vướng những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA…” PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cắt giảm thủ tục
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), bao hàm 29 chính sách mới, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tại phiên họp thứ 38, đánh giá về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết - Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền. Tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đặc biệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…
Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát...
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng không đạt kỳ vọng khiến áp lực giải ngân những tháng cuối năm rất lớn với các bộ, ngành, địa phương. Trước yêu cầu cấp thiết này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8.10.2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao.