• :
  • :

Gỡ “điểm nghẽn” để vùng Đông Nam Bộ tiến nhanh

Quy hoạch manh mún, kết nối giao thông chưa đồng bộ, mạng lưới y tế chưa phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu là những "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay khiến vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ (thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) chưa thể bứt phá, phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

Tăng kết nối giao thông liên vùng

Tại Hội nghị trao đổi hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra vừa qua, các ý kiến chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước đều thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn nêu trên đã và đang kìm hãm sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, cấp thiết phải có giải pháp tháo gỡ, trong đó là điểm nghẽn về hạ tầng, y tế và chất lượng nguồn nhân lực.

Gỡ “điểm nghẽn” để vùng Đông Nam Bộ tiến nhanh
Cầu Mỹ Thuận 1 và 2 (đang xây dựng), kết nối trực tiếp giữa Tiền Giang với Vĩnh Long. Ảnh: Xuân Tình

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện có 3 tuyến đường sắt quan trọng đi qua khu vực Đông Nam Bộ phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư năm 2025, triển khai giai đoạn 2025 - 2030 là đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Dự án sân bay Long Thành dự kiến khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 trong khi sân bay Tân Sơn Nhất ở TP.HCM đang quá tải. Vì thế các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ thống nhất tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Mặc khác các địa phương trong vùng cũng đã thống nhất về sự cần thiết đầu tư, phương án kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TP.HCM về Bình Dương và Đồng Nai.

Tuy nhiên vấn đề vướng mắc lớn hiện nay là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho những dự án giao thông có tính chất đi qua nhiều địa bàn. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất việc thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng. Quỹ này được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn khác.

“Hiện nay có thể có 2 lựa chọn thành lập quỹ. Thứ nhất là TP.HCM và các tỉnh trong vùng có thể thành lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Thứ hai là phương án do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ”, ông Trương Minh Huy Vũ nêu quan điểm.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị lãnh đạo các địa phương trong vùng cần tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, trước hết là các dự án đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị … đồng thời giải quyết tốt vấn đề quy hoạch và cùng nhau phối hợp làm việc với Bộ GTVT để triển khai nhanh các dự án theo quy hoạch được duyệt. Đối với các dự án đường sắt, các địa phương phải chủ động thống nhất giữa Bộ GTVT để cập nhật vào quy hoạch chung của từng tỉnh.

Phát triển y tế và nguồn nhân lực

Một điểm nghẽn khác cần được tháo gỡ kịp thời cho vùng Đông Nam Bộ là đầu tư y tế và đào tạo nhân lực. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng, sau thời gian tập trung nguồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19, đã đến lúc ngành y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cùng nhau rà soát, đánh giá lại năng lực của hệ thống Y tế so với nhu cầu thực tế. Trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm và đầu tư nguồn lực cho hệ thống y tế phát triển.

“Việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố và các tỉnh trong vùng mang ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực”, ông Tăng Chí Thương cho biết, đồng thời chia sẻ việc hiện nay các địa phương đang chờ quyết định và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng Đông Nam Bộ.

Trong thời gian này, lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM và Viện Y tế công cộng TP.HCM sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin về giám sát dịch bệnh giữa các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành với nhau. Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì giao ban trực tuyến hằng tuần chuyên đề về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng với Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

“Sở Y tế TP.HCM không dừng ở hoạt động hỗ trợ, chuyển giao mà mong muốn có sự hợp tác giữa các Sở Y tế vùng Đông Nam Bộ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, thử nghiệm các giải pháp mới trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho hay.

Trong khi đó, về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho biết, sẽ hỗ trợ các địa phương trong đào tạo nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, y tế. Cùng với đó sẽ đồng hành tư vấn, xây dựng, phản biện các chính sách quy hoạch; tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cam kết nâng cấp các trường đại học, cao đẳng nghề trong khu vực, qua đó tạo sức bật tốt hơn cho các trường tại địa phương.

“Hiện Đại học Quốc gia TP.HCM đang nghiên cứu, xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số vùng, trong đó đào tạo cấp văn bằng với trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ khoảng 7.500 sinh viên/năm”, ông Vũ Hải Quân cho biết thêm.

Minh Tuấn

Lượt xem: 5
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...