• :
  • :

Hà Nội thí điểm thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến từ năm 2024

Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã đề xuất thí điểm áp dụng theo từng bước, giai đoạn và tính toán xây dựng mức phí.

Để đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đã tính toán đến việc thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông, trong đó chia rõ lộ trình thực hiện và xây dựng cơ sở mức thu và công nghệ áp dụng.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) và Trung tâm Tư vấn phát triển Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải (đơn vị tư vấn) vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiến độ xây dựng đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở Giao thông Vận tảo Hà Nội và Tramoc cùng một số kênh cộng đồng (otofun...) cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng cho thấy, tính đến ngày 10/10/2022, đã thu được 1.028 phiếu khảo sát. Trong số này, có 39,7% ủng hộ thu phí nội đô, 33,2% ủng hộ có điều kiện và 27,1% không ủng hộ việc thu phí.

Về thời điểm áp dụng đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông để phù hợp với quy định hiện hành và tránh những khó khăn vướng mắc phát sinh, Tư vấn lập đề án đã đề xuất chia làm 3 giai đoạn triển khai.

Theo đó, giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ thu phí trên 9 trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến ngày 30/11/2025 báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Cụ thể, khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3-cầu Thanh Trì-Pháp Vân-Mai Dịch-Phạm Văn Đồng-cầu Thăng Long-Âu Cơ-Nghi Tàm-Yên Phụ-Trần Nhật Duật-Vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Giai đoạn mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh-Trường Sa-Hoàng Sa-Võ Văn Kiệt-cầu Thăng Long-Âu Cơ-Nghi Tàm-Yên Phụ-Trần Nhật Duật-Vành đai 3.

Như vậy, đề án thu phí đã đề xuất thí điểm áp dụng theo từng bước, giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thí điểm thu phí theo điểm là đã đảm bảo yêu cầu thí điểm theo khu vực hẹp. Giai đoạn 2 mở rộng diện tích thu phí ra khu vực bờ nam sông Hồng và giai đoạn 3 mở tiếp ra khu vực bờ bắc sông Hồng.

Nếu đề án được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022. Đến năm 2024 tiến hành thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025 và chính thức triển khai áp dụng từ năm 2025, việc triển khai thực hiện đề án mới phù hợp với các quy định hiện hành.

Trong trường hợp chậm, phía Tramoc đánh giá sẽ gặp khó khăn bởi theo Nghị quyết 115/2020 của Quốc hội, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù phải được sơ kết để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022. Khi đó, để có cơ sở pháp lý thu phí cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách thu phí (điều chỉnh luật) và khó có thể triển khai thí điểm trước năm 2030.

Kết quả điều tra xã hội học vào năm 2019 cho thấy, mức phí chấp nhận được của người dân là 22.300 đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô con, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí.

Mức phí được xây dựng đảm bảo không được quá thấp và phải đủ cao khiến cho người sử dụng xe ôtô cá nhân phải cân nhắc điều chỉnh lộ trình hoặc khung giờ tham gia giao thông cho các chuyến đi đến khu vực có khả năng ùn tắc giao thông, đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.

Đề cập đến nguồn kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí, giai đoạn thí điểm sử dụng nguồn đầu tư công lắp đặt một số cổng thu phí tại các nút giao thông trọng điểm, thường xuyên ùn tắc giao thông. Giai đoạn hoàn chỉnh sử dụng nguồn đầu tư công hoặc một trong những hình thức BTL (xây dựng-chuyển giao-thuê dịch vụ), BLT (xây dựng-thuê dịch vụ-chuyển giao), BOO (xây dựng-sở hữu-vận hành).

Cho rằng việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận, số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm, theo lãnh đạo Tramoc, sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.

Về điều kiện triển khai thu phí, ngoài việc xây dựng các trạm thu phí tạo thành vành đai thu phí khép kín, thành phố cần đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí như số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí không dừng qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí, xử lý hành vi không nộp phí và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.

Ngoài ra, vận tải công cộng phải đủ năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân sau khi họ quyết định chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với vận tải công cộng cần được bố trí, xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người từ xe cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng.

Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cũng lấy ý kiến các sở, ngành từ ngày 24/10-15/12 và hoàn thiện báo cáo thành phố trước ngày 15/12/2022.

PV
Lượt xem: 76
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...