• :
  • :

Kiến nghị xử lý trách nhiệm với Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh chậm thi hành án hành chính

Trường hợp cần thiết, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

Tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã báo cáo chuyên đề về những chuyển biến trong thi hành án hành chính (THAHC) sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Nhiều vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính

Báo cáo cho biết, trong 3 năm (từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/9/2017), còn một số lượng lớn bản án, quyết định nhiều năm chưa được thi hành xong, khiến dư dư luận xã hội đặt ra nhiều vấn đề trong việc gương mẫu chấp hành bản án, quyết định của cơ quan nhà nước.

Điều này gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, thậm chí có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành. Một số trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) và UBND không tự nguyện thi hành án, khiến người dân phải có đơn đề nghị và Tòa án đã phải ra Quyết định buộc thi hành nhưng vẫn không chấp hành...

Đáng quan tâm, mặc dù có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành, nhưng chưa có trường hợp nào Chủ tịch UBND, UBND bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THAHC...

Kiến nghị xử lý trách nhiệm với Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh chậm thi hành án hành chính
Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Tư pháp

Sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành giám sát và đưa ra các kiến nghị, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hành chính và THAHC.

Ví dụ, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND, UBND các cấp của Thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết vụ án và thi hành bản án, quyết định hành chính. Từ năm 2019, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp công tác với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, quy định đầy đủ, cụ thể về trách nhiệm của từng cơ quan trong phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo việc giải quyết các vụ án hành chính.

Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo, chấn chỉnh UBND các cấp, các sở, ngành hữu quan tăng cường rà soát, tổ chức chấp hành nghiêm túc, dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, tổ chức thi hành ngay các bản án không có khó khăn, vướng mắc...

Tăng cường vai trò giám sát

Nhờ việc thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục hạn chế của Chính phủ, bộ, ngành, UBND các cấp được chỉ ra thông qua giám sát, từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2021, kết quả THAHC đã tăng rõ rệt, năm sau tăng cao hơn năm trước.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm với Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh chậm thi hành án hành chính
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, đã thi hành xong 1.116 bản án, quyết định, trong đó có 894 bản án người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành. Số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có UBND, Chủ tịch UBND là người phải thi hành án thi hành xong tăng cao so với giai đoạn 2015 - 2017 và năm sau luôn cao hơn năm trước...

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác THAHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong THAHC theo quy định của pháp luật phải chứng minh được lỗi cố ý không chấp hành án, trong khi các vụ việc chưa thi hành hầu hết còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, dẫn đến việc chưa có trường hợp nào Chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm trong THAHC.

Một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm trong việc chấp hành bản án hành chính, không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền...

Bộ Tư pháp cũng đưa ra hàng loạt nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHC. Một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cùng hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bộ Tư pháp cũng đề xuất tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với UBND các cấp trong công tác THAHC, xác định rõ trách nhiệm của Bí thư cấp ủy và Bí thư Ban Cán sự Đảng - Chủ tịch UBND trong công tác này, coi kết quả THAHC là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ, công chức; xác định trách nhiệm nêu gương của Chủ tịch UBND trong việc chấp hành các bản án, quyết định của Tòa án...

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng cần tăng cường tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC ở các địa phương có số lượng bản án hành chính phải thi hành lớn; hoặc tổ chức làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, xác định nguyên nhân tồn đọng của từng bản án, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng bản án.

“Trường hợp cần thiết, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án”, Báo cáo nêu.

Phương Thảo