• :
  • :

Kỳ họp giữa năm của HĐND thành phố Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 3-6/7

Chiều 29/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội họp báo thông tin về kỳ họp thứ 12, kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên chủ trì buổi họp báo.

Theo Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt, kỳ họp thứ 12 diễn ra từ ngày 3 - 6/7/2023, dự kiến xem xét 57 nội dung gồm 19 báo cáo và 38 nghị quyết.

Cụ thể các báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của: HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Công tác xét xử của Toà án Nhân dân TP; Công tác kiểm sát của Viện kiểm sát Nhân dân TP; Công tác thi hành án của Cục Thi hành án dân sự; Việc thực hiện dự toán thu, chi ngân sách.

Các báo cáo của UBND TP trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 10; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 12; Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP;

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP (đến tháng 6/2023); Kết quả triển khai thực hiện và xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ trên địa bàn TP được nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội...

Kỳ họp cũng xem xét báo cáo của UBND TP về “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”; Tình hình, tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Báo cáo về kết quả giám sát của HĐND TP về công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thuộc TP Hà Nội.

Tại kỳ họp, HĐND TP sẽ xem xét 1 Nghị quyết thường lệ và 37 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, đáng chú ý là các Nghị quyết thông qua điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn TP áp dụng đến ngày 31/12/2024; Chính sách miễn, giảm phí, lệ phí khi người dân, cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030; Chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội.

Cùng với đó là các Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2023-2024; Quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm 2023-2024; Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP Hà Nội...

Kỳ họp thứ 12 sẽ dành 1 ngày (ngày 5/7) để HĐND TP thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà Đại biểu HĐND TP cùng đông đảo cử tri, dư luận và Nhân dân Thủ đô quan tâm.

Theo Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt, phiên chất vấn chia làm 2 nội dung, trong đó dành thời gian tái chất các vấn đề Nhân dân quan tâm và chất vấn những vấn đề lớn đang được TP quan tâm giải quyết, đặc biệt các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp, người dân. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên kênh 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Về một trong những nội dung HĐND TP sẽ xem xét tại kỳ họp tới là quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế Duy Hoàng Dương cho biết, nội dung này được TP quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai.

Theo đó, thực hiện các nội dung theo quy định của Luật cư trú năm 2020, UBND TP đã có đề xuất với HĐND xây dựng Nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú trong giai đoạn 2020-2025. Trong quá trình triển khai, UBND TP đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến. Trên cơ sở đó, mới nhất UBND TP đã có tờ trình ngày 19/6 về Nghị quyết diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội.

PV
Lượt xem: 4
Tác giả: PV
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...