Kỳ vọng 5 tuyến đường sắt kết nối TPHCM
5 tuyến đường sắt kết nối TPHCM với các địa phương gồm tuyến: TPHCM – Nha Trang, TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Lộc Ninh, TPHCM - Tây Ninh, Thủ Thiêm - Long Thành được đầu tư thời gian tới giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách, thúc đẩy kinh tế vùng.
Ưu tiên đầu tư 2 tuyến
Hiện cả 5 tuyến đường sắt trên đều nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong đó, TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư 2 tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và TPHCM - Cần Thơ.
Cụ thể, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức, TPHCM), điểm cuối là sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng. Với dự án này, TPHCM đề xuất sớm đầu tư trong bối cảnh sân bay Long Thành hoàn thành năm 2025.
Còn tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ dài hơn 174km, có tổng đầu tư hơn 169.000 tỉ đồng (khoảng 7 tỉ USD), đi qua 6 địa phương gồm tỉnh Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ với 13 ga.
Đây là tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng.
Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ đến TPHCM mất 75-80 phút thay vì 180-240 phút đi đường bộ như hiện nay. Dự án này đang được Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030.
3 tuyến đường sắt còn lại cũng cần được xây dựng theo quy hoạch.
Cụ thể, tuyến đường sắt TPHCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài) dài khoảng 140km, kết nối đường sắt TPHCM - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TPHCM) và kết nối liên vận quốc tế với đường sắt Campuchia.
Tuyến đường sắt TPHCM – Lộc Ninh dài khoảng 128 km, điểm đầu kết nối với đường sắt Thống nhất tại ga Dĩ An và kết thúc tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước).
Tuyến đường sắt TPHCM - Nha Trang dài 366 km (nằm trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam), được ưu tiên xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải lớn.
Đường sắt giúp giảm chi phí logistics
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng vai trò đầu mối giao thương hàng hoá, kết nối các thị trường góp phần giảm chi phí logistics cả nước so với tổng sản phẩm nội địa 10-15%.
Để làm được điều này, trong 10 năm tới cần phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hoá thông suốt.
Trong đó, 5 tuyến đường sắt trên khi đưa vào khai thác được đánh giá giúp giảm chi phí logistics, tăng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, giúp phân luồng khai thác vận tải hành khách, hàng hoá. Ngoài ra, các tuyến cung cấp thêm các dịch vụ vận tải khối lượng lớn, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông...
TPHCM cũng sẽ nghiên cứu, bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối cảng hàng hóa, cảng container, cảng biển mới theo quy hoạch,...
Theo ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch hội cầu đường cảng TPHCM, nhu cầu vận tải hàng hóa và con người từ TPHCM đi các tỉnh phía Tây Nam bộ ngày càng tăng cao. Trong khi các tuyến đường cao tốc, đường bộ dù cho mở đến 6 - 8 làn cũng “trụ” được vài năm năm là quá tải.
Do đó, để phát triển hàng hóa thì đường sắt phải đi đầu bởi đây là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ và hàng không.
Khó khăn lớn nhất của các dự án đường sắt là nguồn vốn lớn, việc kêu gọi tư nhân, xã hội hóa cũng rất khó khăn vì khả năng thu hồi vốn chậm.
Mới đây, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ GTVT chủ trì, làm việc với TPHCM cùng các địa phương và bộ ngành liên quan trong quá trình lập các quy hoạch mang tính kỹ thuật, chuyên ngành đường sắt.
Trong đó, chú trọng xác định hướng tuyến, các vị trí nhà ga gắn với phát triển đô thị trong tương lai theo mô hình TOD để phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống đường sắt, phát triển đô thị bền vững và sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến.