Lãng phí cả trăm hécta đất vì dự án treo ở Quảng Trị
Quảng Trị - Cho doanh nghiệp thuê đất làm dự án, nhưng dự án treo năm này sang năm khác khiến cả trăm hécta đất bỏ hoang lãng phí.
“Vẽ” dự án cụm công nghiệp rồi bỏ hoang 13 năm
13 năm trước, khi đang là Phó Bí thư Đảng ủy xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), ông Lê Ánh Hùng tham dự lễ khởi công Dự án Cụm Công nghiệp Đông Gio Linh do Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Ban đầu, chủ đầu tư hứa sẽ hỗ trợ kinh phí để địa phương xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, khi đi vào hoạt động sẽ tuyển hàng nghìn lao động tại địa phương.
“Lúc đó, tôi cũng nghĩ là có dự án lớn về làm thật, kinh tế địa phương sẽ phát triển, bà con có cơ hội việc làm” - ông Lê Ánh Hùng nhớ lại.
Hố nước hình thành trên diện tích đất thực hiện dự án Cụm Công nghiệp Đông Gio Linh do hoạt động khai thác titan trái phép. Ảnh: Nguyễn Luân
Cũng theo ông Hùng, khi triển khai dự án, chủ đầu tư dùng tôn làm hàng rào cao, quây kín và thuê nhiều người làm bảo vệ, không để người ngoài lui tới. Sau đó, người dân địa phương phát hiện nguồn nước thải ra từ dự án có dấu hiệu đáng ngờ, nên báo với cơ quan chức năng, từ đó lộ ra chuyện doanh nghiệp không thi công dự án cụm công nghiệp, mà chỉ quây tôn làm hàng rào rồi bên trong đào trộm titan. Việc doanh nghiệp khai thác titan đã bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng sau đó, dự án vẫn không triển khai xây dựng.
Từ Phó Bí thư Đảng ủy xã Gio Việt, ông Hùng chuyển qua làm Chủ tịch UBND xã Gio Việt, bây giờ là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thị trấn Cửa Việt (xã Gio Việt sáp nhập vào thị trấn Cửa Việt từ ngày 1.1.2025). Ở vị trí nào, ông cũng nhận được phản ánh gay gắt của người dân về dự án trên.
Tấm biển có hình ảnh dự án Cụm Công nghiệp Đông Gio Linh rách bươm. Ảnh: Nguyễn Luân
Người dân phản ứng gay gắt là bởi trên diện tích đất 50ha được giao cho công ty, đến nay, không có cụm công nghiệp nào mọc lên mà vẫn là bãi đất trống.
“Chúng tôi có rất nhiều kiến nghị lên cấp trên, nhưng dự án không triển khai và diện tích đất cấp cho dự án đến nay vẫn đang bỏ hoang” - ông Lê Ánh Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Từ - Trưởng thôn Xuân Tiến (xã Gio Việt cũ, nay là thị trấn Cửa Việt) - cho hay, diện tích đất thực hiện dự án nói trên ở gần Quốc lộ 9 (đường Xuyên Á), có mặt bằng đẹp, được xem là “đất vàng”, nhưng bỏ hoang 13 năm nay. Trong lúc, nhiều người dân ở thôn không có đất sản xuất. “Tôi đề nghị giao đất lại cho địa phương để có kế hoạch sử dụng, tránh lãng phí” - ông Từ chia sẻ.
Dự án nông nghiệp treo năm này sang năm khác
Giữa năm 2018, tỉnh Quảng Trị có quyết định cấp chủ trương đầu tư cho dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị (thuộc Tập đoàn FLC). Dự án có tổng vốn đầu tư 371 tỉ đồng, thực hiện trên diện tích gần 200ha tại tiểu khu 764 và 765 thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Thấy đất bỏ hoang nhiều năm, người dân vào chiếm đất trồng tràm trên diện tích đất thực hiện dự án của Tập đoàn FLC. Ảnh: Nguyễn Luân
Dự kiến, tháng 10.2020 dự án sẽ hoàn thành đi vào sản xuất, nhưng đến tháng 1.2025, nhà đầu tư chỉ mới chi trả 5,2 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 60/198 ha đất dự án. Và trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, đến nay, nhà đầu tư chưa thực hiện bất kỳ hạng mục nào.
Ông Trần Văn Lam - Trưởng thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền) - cho biết, thấy đất dự án bỏ hoang năm này sang năm khác, trong lúc người dân thiếu đất sản xuất nên cứ vào ban đêm, người dân lén vào trồng keo tràm. Hiện có khoảng 50 hộ dân đã trồng keo tràm trên diện tích 60ha đất của dự án. Diện tích keo tràm này cũng được vài năm tuổi.
Ông Nguyễn Anh Tuân (trái ảnh) - Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền - đề nghị các hộ dân không nên canh tác trên diện tích đất thực hiện dự án. Ảnh: Hưng Thơ
Là 1 trong những hộ dân trồng rừng trên đất của dự án, ông Nguyễn Văn Sinh (trú tại thôn Tân Hiệp) nói rằng, dự án không làm thì ông vào trồng cây. Nếu dự án thực hiện, ông sẽ trả lại đất, còn bỏ hoang vậy thì quá lãng phí.
Ông Nguyễn Anh Tuân - Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền - thông tin, đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Cam Lộ về dự án treo Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị.
“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý diện tích đất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án, vì dự án chưa thực hiện nên người dân vào tranh đất để trồng cây lâm nghiệp. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng xem xét, nếu dự án không triển khai thì thu hồi, giao đất cho địa phương để chia cho người dân canh tác” - ông Nguyễn Anh Tuân nói.