• :
  • :

Lo giá vé đường sắt tốc độ cao khó cạnh tranh với máy bay

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình băn khoăn giá vé của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khó cạnh tranh với hãng bay Vietjet.

Lo giá vé đường sắt tốc độ cao khó cạnh tranh với máy bay

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: Phạm Thắng

Đề nghị khởi công vào cuối năm 2026

Sáng 13.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) băn khoăn về tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh thành, thành phố với mật độ dân cư không quá đông. Trong khi đó, giá vé dự kiến 2 triệu đồng.

Đại biểu phân tích nếu chạy ở tốc độ 350km/h thì di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM mất khoảng 6-7 giờ. "Giá vé như vậy khó cạnh tranh với hãng bay Vietjet", đại biểu cho hay.

Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) cho biết việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thời điểm này là phù hợp, giải quyết được hạ tầng giao thông thiết yếu, mở ra không gian phát triển.

Nếu dự án được triển khai với tốc độ 350km/h, đại biểu nêu ví dụ đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chỉ mất khoảng 30 phút thay vì 2h như hiện nay. Nếu đi đến TPHCM, nhiều người sẽ chọn đường sắt tốc độ cao.

Ông Nguyên dẫn chứng thêm việc di chuyển từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đi TPHCM hết 1h45. Tuy nhiên, thời gian đi từ địa điểm xuất phát đến sân bay hết 1h, thêm 1h chờ làm thủ tục. Tính thêm thời gian bị trễ chuyến, đại biểu cho biết cũng phải mất 5-6 tiếng mới có thể vào đến TPHCM.

Trong khi đó, đại biểu Thanh Hóa cho rằng đi đường sắt sẽ có thủ tục đơn giản, thời gian đi lại sẽ không thua đi máy bay.

Đại biểu đề nghị thời gian khởi công của dự án có thể sớm hơn dự kiến, khoảng cuối năm 2026.

Lo dự án đội vốn, chậm tiến độ

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra sự kết nối, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng như hiện nay chỉ tập trung vào một số tỉnh, thành phố lớn theo chiều dọc đất nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Phạm Thắng

Về phương thức đầu tư, đại biểu dẫn trường hợp các dự án đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn, để bày tỏ lo ngại.

"Chúng ta hợp tác với nước nào không quan trọng, nhưng cần chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nếu như vậy thì mới đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Còn không thực hiện được việc này, từ đầu tư đến vận hành, sửa chữa, bảo hành sẽ phải phụ thuộc, có thể trở thành "món nợ" về sau"- đại biểu nêu rõ.

Đại biểu cũng lưu ý dự án đường sắt tốc độ cao này cần tính toán đến nhu cầu thực tế của các địa phương hiện chưa có sân bay, bởi đây sẽ là phương thức bổ trợ cho hàng không.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án với tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD, mỗi năm phân bổ hơn 6 tỉ USD, là con số rất lớn. Song đây được xác định là dự án mang tính biểu tượng, động lực phát triển cho đất nước trong giai đoạn mới.

"Nếu dự án triển khai tốt, sẽ phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như triển khai có những rủi ro thì hệ lụy là chúng ta sẽ phải xử lý trong tương lai" - đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu rõ.

Ông cũng đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc cần chuyển giao công nghệ.

Đại biểu cũng nhắc đến các dự án đường sắt đô thị hiện nay chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung, mỗi dự án là công nghệ của một nước.

Về vấn đề đội vốn, đại biểu cho biết ngay cả ở Mỹ, dự án đường sắt cũng đội vốn gấp 2,2 lần so với ban đầu. Ở trong nước, các dự án đường sắt đô thị đều đội vốn.

"Do đó, việc đưa ra tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD cần có nhiều giải pháp đi kèm" - đại biểu nêu quan điểm.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...