• :
  • :

Mất 884 ngày để trả lời một văn bản ở Hà Nội, điểm nghẽn là do chính cán bộ

"Một số đồng chí trưởng, phó phòng hiện nay không làm việc và đùn đẩy, né tránh. Càng có trình độ thì cái lách luật, cái uốn éo, cái văn bản càng phức tạp cho doanh nghiệp và các tổ chức".

Mất 884 ngày để trả lời một văn bản ở Hà Nội, điểm nghẽn là do chính cán bộ

Đại biểu Vũ Đức Bảo (tổ đại biểu huyện Gia Lâm) phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: HĐND TP Hà Nội

Trên đây là ý kiến của đại biểu Vũ Đức Bảo tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội sáng 3.7.

Đại biểu Vũ Đức Bảo cho biết, thời gian vừa qua, ông đã tham gia một số thanh tra công vụ về một số dự án. Trong đó, liên quan đến hai dự án tại Hoài Đức, mất tới 884 ngày để trả lời 1 văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

884 ngày, tức gần hai năm rưỡi, chỉ để trả lời một văn bản, chuyện khó có trong sự tưởng tượng của bất cứ một nền hành chính nào trên thế giới này.

Hai năm rưỡi chỉ để trả lời một văn bản, thì còn đâu thời gian, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, còn đâu nguồn lực của xã hội.

Đại biểu Vũ Đức Bảo chỉ ra rằng, khi kiểm tra, "điểm nghẽn" không nằm ở UBND huyện, ở Sở mà nằm ở các trưởng, phó phòng và chuyên viên.

Có nghĩa là cán bộ, công chức cấp trưởng, phó phòng, chuyên viên của các cơ quan chính quyền làm khó dễ, "uốn éo". Sự phức tạp, điểm nghẽn không phải do các quy định của pháp luật, mà do chính những cán bộ, công chức này tạo ra.

Cũng chuyện cán bộ làm khó dễ dân, gây ra những bức xúc trong dân, đại biểu Nguyễn Quang Thắng đưa ra dẫn chứng là cùng một thủ tục, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) xác nhận công chứng cho người dân nhưng ở phường Phúc Xá (Ba Đình), cán bộ tư pháp lại từ chối xác nhận. Khi người dân ra đơn vị công chứng thì làm được.

Dẫn chứng trên cho thấy, chắc chắn không có hai "luật" quy định áp dụng cho hai phường, chỉ có cán bộ của hai phường nhận thức về pháp luật khác nhau. Hay nói đúng hơn, cán bộ thích thì xác nhận, không thích thì từ chối.

Trong tư duy của không ít cán bộ, công chức, làm việc công không phải là trách nhiệm phục vụ dân, mà là có quyền ban phát cho dân. Không thay đổi được tư duy này, dân còn khổ vì một nền hành chính nói như dân gian 'hành dân là chính".

Có điều, nếu nói rằng lỗi là do trưởng, phó phòng, chuyên viên cũng không công bằng, vì trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu. Lãnh đạo là chủ tịch các quận, huyện, sở, để cho cấp dưới của mình làm việc tắc trách, ngâm hồ sơ giấy tờ, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thì không xứng đáng làm lãnh đạo.

Về chuyện trách nhiệm người đứng đầu, đại biểu Nguyễn Đức Bảo thông tin, chưa hết nhiệm kỳ, đã thay 3 đồng chí giám đốc - trưởng các ngành chủ chốt. Trong đó, có đồng chí mới nhận nhiệm vụ được 8 tháng, có đồng chí 1 năm, hơn 1 năm. Thêm vào đó, đã thay thế chuyển đổi 6 đồng chí chủ tịch các huyện.

Thay thế, chuyển đổi, thậm chí cách chức cán bộ lãnh đạo yếu kém chính là cải cách hành chính căn bản nhất.