Ngành GTVT Hà Nội ủng hộ huyện Bảo Lạc xây dựng đường giao thông nông thôn
Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Ngô Minh Hoàn thông tin, mới đây đại diện Sở GTVT Hà Nội đã trao số tiền ủng hộ 210 triệu đồng tới huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), phục vụ việc xây dựng đường giao thông nông thôn.
Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Phi Thường - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội; Đỗ Việt Hải - Phó Giám Đốc Sở GTVT Hà Nội; Lã Hoài Nam - Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc; Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc…
Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội Ngô Minh Hoàn cho biết, trong chương trình hợp tác giữa ngành GTVT của 2 đơn vị là Hà Nội và Cao Bằng, nhận thấy Bảo Lạc là huyện biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, có địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; mạng lưới giao thông của Bảo Lạc vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng vị trí là huyện trung tâm khu vực miền Tây của tỉnh Cao Bằng… nên Thường trực Công đoàn ngành và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã kêu gọi cán bộ công chức, viên chức Khối Hành chính sự nghiệp trực thuộc Sở; công nhân, viên chức, lao động trong toàn ngành GTVT Hà Nội ủng hộ, giúp đỡ nhân dân huyện Bảo Lạc làm đường giao thông nông thôn.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội trao tặng tiền ủng hộ huyện Bảo Lạc xây dựng đường giao thông nông thôn. |
Đáng chú ý, dù chỉ phát động trong một khoảng thời gian ngắn, từ ngày 1-31/10/2022 song chương trình vận động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các doanh nghiệp cũng như công nhân, viên chức, lao động thuộc ngành GTVT Hà Nội. Tổng số tiền ủng hộ kêu gọi được là 210 triệu đồng.
“Đây là tình cảm của công nhân, viên chức, lao động ngành GTVT Hà Nội gửi tới Huyện Bảo Lạc xây dựng đường giao thông nông thôn; là niềm mong mỏi giúp người dân Bảo Lạc vận chuyển hàng hoá và nhân dân đi lại được thuận tiện góp phần phát triển kinh tế xã hội” – ông Ngô Minh Hoàn chia sẻ.
Được biết, trước đó Công đoàn ngành GTVT Hà Nội và Sở GTVT Cao Bằng đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2025. Nội dung của chương trình bao gồm: Đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động; hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động; Tổ chức hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động, với Công đoàn và người lao động; kỹ năng đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động trong doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên và người lao động.
Hai bên cùng hợp tác phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ nhà “Mái ấm Công đoàn”; phối hợp tổ chức Chương trình “Đưa công nhân lao động về quê đón Tết”… Trao đổi kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động CNVCLĐ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; Định kỳ tổ chức giáo dục truyền thống cho cán bộ Công đoàn và “Công nhân giỏi” thành phố Hà Nội tại tỉnh Cao Bằng; trao đổi kinh nghiệm về công tác chỉ đạo các cấp Công đoàn trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hoạt động của Công đoàn; trao đổi kinh nghiệm về công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh…