• :
  • :

Phấn đấu đến năm 2028 tăng thêm 182.258 đoàn viên

Công đoàn ngành Công Thương phấn đấu trong năm 2024 phát triển tăng thêm được 3.500 đoàn viên.

Phấn đấu đến năm 2028 tăng thêm 182.258 đoàn viên

Ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp phát triển đoàn viên. Ảnh: CĐCTVN

Chủ động bám sát lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động

Ông Phan Văn Bản - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho biết, Công đoàn ngành phấn đấu trong năm 2024 phát triển tăng thêm được 3.500 đoàn viên, đến năm 2028 toàn ngành tăng thêm 182.258 đoàn viên, góp phần cùng với cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn.

Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho hay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 và Kế hoạch số phát triển đoàn viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2024 và dự thảo Kế hoạch hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS giai đoạn 2024 - 2028.

Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và thành lập 4 Tổ công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS giai đoạn 2023-2028 và Quyết định giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc.

Cùng với đó, Công đoàn ngành tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS trực thuộc bám sát chỉ tiêu được giao để tổ chức hiện đạt kết quả; đã chủ động bám sát địa bàn tiếp cận làm việc với một số doanh nghiệp (DN), công đoàn cơ sở hiện nay đang sinh hoạt tại các Liên đoàn Lao động địa phương thực hiện việc chuyển giao CĐCS về Công đoàn Công Thương Việt Nam quản lý chỉ đạo theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động ở một số CĐCS, doanh nghiệp đang có nguyện vọng chuyển về Liên đoàn Lao động địa phương, hay khu công nghiệp tiếp tục ở lại tham gia sinh hoạt cùng với CĐCS trực thuộc hoặc Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn các cấp trong ngành đã tích cực, thường xuyên bám sát, theo dõi nắm bắt diễn biến tình hình hoạt động của các DN, cũng như tình hình đời sống, tâm tư việc làm của người lao động; đặc biệt quan tâm bám sát tình hình hoạt động của những DN có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu việc làm, số lượng lao động, đoàn viên ít; những DN mới thành lập chưa có tổ chức công đoàn và những DN đã có tổ chức công đoàn đang mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất tuyển dụng mới lao động để tiếp cận, gặp gỡ với chủ DN tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn, vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn…

Nhờ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả, tính đến nay, các cấp Công đoàn Công Thương đã phát triển được 2.125/3.500 đoàn viên đạt tỉ lệ 60,7% kế hoạch giao…

“Giữ chân” đoàn viên

Theo lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2024, công đoàn các cấp tiếp tục cần huy động phát huy vai trò mạng lưới cộng tác viên, các nhóm cán bộ, đoàn viên, người lao động làm nòng cốt thường xuyên chủ động bám sát địa bàn, tiến hành khảo sát nắm bắt tình hình công nhân, viên chức người lao động và hoạt động của các DN đóng trên địa bàn để triển khai tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn; xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn mới về nghiệp vụ công tác công đoàn, trang bị kỹ năng tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Đoàn viên, người lao động tại một doanh nghiệp ngành Công Thương Việt Nam. Ảnh: Hà Anh

Đoàn viên, người lao động tại một doanh nghiệp ngành Công Thương Việt Nam. Ảnh: Hà Anh

Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động trong việc tiếp cận, tuyên truyền phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS; tập trung đối thoại, thương lượng tại nơi làm việc, chăm lo bảo vệ quyền lợi ích cho đoàn viên và người lao động; chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền, chuyên môn hỗ trợ kinh phí cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động, nâng cao chất lượng, thương lượng TƯLĐTT; tích cực tuyên truyền, vận động các DN thường xuyên tuyển dụng lao động thành lập tổ chức công đoàn, những DN đã có tổ chức công đoàn nhưng có nhiều lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn, thì bằng mọi biện pháp để tuyên truyền, thuyết phục kết nạp số lượng lao động này được gia nhập vào tổ chức công đoàn.

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, trong đó tập trung đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS; xác định nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm để tổ chức thực hiện nhằm thu hút, tập hợp và “giữ chân” đoàn viên.

Tính đến nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam đang quản lý, chỉ đạo 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 505 CĐCS trực thuộc, với 140.670 đoàn viên/146.656 lao động (đạt tỷ lệ 95,9% đoàn viên/tổng số lao động), trong đó lao động nữ 42.820 lao động…

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết