• :
  • :

Phương án quy hoạch Thủ đô xoay quanh 5 trụ cột phát triển

Nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh sang, tái thiết đô thị…).

Sáng 21/11, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển
Các đồng chí chủ trì hội thảo

Dự hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Cùng đại diện các tỉnh thành: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định...

Đại diện TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP...

Văn hóa, con người vừa là nền tảng, vừa là động lực

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: TP Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch Thủ đô là việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu đề dẫn hội thảo

Trên cơ sở đề cương định hướng được Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xây dựng với tinh thần khẩn trương, phương pháp tích hợp, đồng bộ, cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; với mục tiêu xuyên suốt đó là văn hóa và con người vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô.

Ngoài việc triển khai thực hiện theo quy định, Quy hoạch Thủ đô đã quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng chiến lược trong Nghị quyết số 15 và các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước trên địa bàn, mời và tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ trí thức hàng đầu của cả nước và Thủ đô với nhiều hình thức: Hội thảo, toạ đàm, gặp gỡ xin ý kiến, tham vấn, phỏng vấn, trao đổi…

Hiện nay, TP Hà Nội đang tiến hành các bước xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Tổ chức 5 vùng, 5 không gian phát triển

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa.

Phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển
Các đại biểu tham dự hội thảo

Nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh sang, tái thiết đô thị…).

Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hóa, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số); các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị); đồng thời nghiên cứu hình thành 2 TP trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu" với những đặc trưng về kinh tế, xã hội phát triển, văn hóa đặc sắc, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.

Các nội dung phương án Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển, gồm: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Việc tổ chức hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm mục đích làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng quy hoạch Thủ đô; đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển
Quang cảnh hội thảo

Theo đồng chí Hà Minh Hải, Ban Tổ chức đã tổng hợp kỷ yếu với hơn 60 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành, các tổ chức, cá nhân với nội dung đa dạng, phong phú. Nhiều bài viết có chất lượng tốt, thể hiện tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm đối với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung, quá trình xây dựng quy hoạch Thủ đô nói riêng. Các ý tưởng, đề xuất là nguồn thông tin quý giá để nghiên cứu, chắt lọc, bổ sung nhằm hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô.

Tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục tham luận, thảo luận đóng góp thêm ý kiến để góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch Thủ đô về các nội dung: Các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực trong huy động các nguồn lực phát triển nói chung, trong tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô nói riêng; ưu tiên, đột phá trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; mô hình, ý tưởng phát triển đặc sắc, gắn với phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Thành phố kết nối toàn cầu".

”Ban Tổ chức Hội thảo tin rằng, với tình cảm, sự nhiệt thành và trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, quý vị đại biểu sẽ góp phần đề xuất thêm ý tưởng, giải pháp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải bày tỏ.

Lượt xem: 6
Tác giả: Tú Linh; Ảnh Hồng Mạnh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...