• :
  • :

Sẽ kiểm toán việc huy động, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19

Năm 2022, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.

Thông tin này được TS. Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19”, diễn ra ngày 19/1 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Văn Họa cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của cuộc kiểm toán chuyên đề phòng chống quá dịch Covid-19, nên trước khi ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2022 tại Quyết định số 1985 ngày 02/12/2021, Tổng Kiểm toán nhà nước đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 1956 ngày 25/11/2021 với mục đích chỉ đạo thống nhất và toàn diện cuộc kiểm toán chuyên đề nói trên.

Sẽ kiểm toán việc huy động, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19
TS. Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại hội thảo

Để thực hiện nhiệm vụ được giao từ khi thành lập đến nay Ban Chỉ đạo đã tổ chức rất nhiều các hoạt động cụ thể như: Gửi văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương cung cấp thông tin về các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo để thống nhất nội dung đề cương kiểm toán nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương pháp tổ chức kiểm toán.

Theo TS. Vũ Văn Hoạ, chuyên đề kiểm toán này sẽ tập trung vào việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh thành và các Bộ: Y tế, Tài chính, Công an, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…

"Bên cạnh đó, hoạt động lần này không có nội dung kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị, vì nội dung này Thanh tra chính phủ sẽ thực hiện, Kiểm toán Nhà nước chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị" - TS. Vũ Văn Họa cho hay.

Về tổ chức thực hiện, mỗi chuyên ngành, khu vực thành lập 1 đoàn kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi kiểm toán.

Thông tin cụ thể về nội dung kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nội dung chính của kiểm toán sẽ tập trung các vấn đề trọng tâm như: Thứ nhất, về huy động các nguồn lực phòng chống dịch Covid -19. Đây là nội dung hết sức quan trọng bởi nguồn lực phòng chống dịch Covid hết sức đa dạng và phong phú như từ ngân sách nhà nước; kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm (nhanh và PCR); sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, chính sách thuế (miễn, giảm, gia hạn thuế…), chính sách tín dụng (giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ…);

Sẽ kiểm toán việc huy động, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19
Các đại biểu tham dự hội thảo

Thứ hai, về sử dụng các nguồn lực. Đây là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi cũng như đối tượng của trung ương, các bộ, ngành, địa phương cho các lực lượng như chính sách hỗ trợ phòng chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (y, bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên,…); chính sách đối với bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế; chính sách đối với người lao động; chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa; các đơn vị sử dụng người lao động;

Theo đó, ông Vũ Văn Họa đề nghị các đại biểu so sánh, phân tích và cho ý kiến với những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý và hồ sơ thanh, quyết toán và nhất là việc thực hiện các khoản chi và các chính sách trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc".

Thứ ba, khó khăn vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…;

Thứ tư, khó khăn vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật nhất là các phương tiện phòng chống dịch như vaccine, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…;

Thứ năm, việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch Covid -19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm (nhanh và PCR);

Thứ sáu, khó khăn vướng mắc trong việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh Covid -19.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch kiểm toán 2022 của Kiểm toán Nhà nước, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của Kiểm toán Nhà nước vào hoạt động giám sát của Quốc hội.

Cũng tại hội thảo các tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã có thêm nhiều đóng góp về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán nhằm hoàn thiện Đề cương kiểm toán chuyên đề trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành.

Đỗ Nga
Lượt xem: 133
Tác giả: Mai Phương Thảo