Thanh Trì tăng cường cấp căn cước công dân kèm định danh điện tử
Huyện Thanh Trì vừa sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
6 tháng đầu năm, huyện Thanh Trì đã hoàn thành tổng số cấp căn cước công dân gắn chíp, căn cước công dân kèm định danh điện tử được 8.315 hồ sơ; tổng số hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân sinh năm 2004, 2007 là 2.280, đạt 84,92%; cấp xác thực định danh điện tử được 6.595 trường hợp, đạt 94%.
Toàn huyện đã cấp xác thực được 67.453 hồ sơ, đạt tỷ lệ 42%, nhiều đơn vị đã quyết liệt thực hiện đạt kết quả cao như xã Đại Áng đạt 87.1%, xã Yên Mỹ đạt 75,3%. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công với 253 hồ sơ đằng ký thường trú, 258 hồ sơ đăng ký tạm trú, 1 hồ sơ tạm vắng, 35 hồ sơ thông báo lưu trú.
Triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Uỷ ban nhân huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc, Quy chế hoạt động thực hiện Đề án.
Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. |
Xác định đây là việc làm mới và là nhiệm vụ quan trọng nên các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai nghiêm túc công việc này. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn về tiện ích khi sử dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các giao dịch hành chính công. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn cũng vào cuộc quyết liệt và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực tư pháp, địa chính, lao động, thương binh và xã hội.
Với vai trò là cơ quan thường trực Đề án 06, Công an huyện Thanh Trì đã tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06; đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo thực hiện Đề án 06 đúng tiến độ.
Công an huyện cũng có nhiều văn bản chỉ đạo công an các xã, thị trấn thực hiện làm sạch dữ liệu, tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến theo các công văn, hướng dẫn của Công an thành phố Hà Nội.
Toàn huyện đã làm sạch được 269.967 dữ liệu dân cư, đạt tỷ lệ 102.2%; tổ chức thông báo số định danh cá nhân được đạt tỷ lệ 100%; cập nhật được 250 chứng minh nhân dân 9 số; rà soát xoá trùng 294 trường hợp trùng thông tin công dân trong thành phố Hà Nội và trùng công dân ngoài tỉnh, xử lý theo quy định.
Công an huyện cũng duy trì công tác làm sạch dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, trước mắt là dữ liệu thi hành án, đối tượng quản lý theo nghiệp vụ, quản lý theo pháp luật và dữ liệu đối tượng truy nã để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm tra cứu chính xác, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và công tác nghiệp vụ.
Ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 huyện Thanh Trì, yêu cầu các cơ quan, các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người trong việc thực hiện Đề án trong năm 2022 và những năm tiếp theo và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.
Lực lượng công an từ huyện đến cơ sở, các ngành, các địa phương chủ trì thực hiện các dịch vụ công; các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn trong quá trình kết nối dữ liệu, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho người dân thực hiện chuyển đổi số; Công an huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tiến độ, phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số.
Bảo Thoa