Thống nhất đề xuất Thành phố giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây
Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ vừa có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây.
Đảm bảo đủ điều kiện cơ sở pháp lý để quản lý Hồ Tây hiệu quả
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, Hồ Tây với diện tích 527,517ha, chu vi xung quanh hồ dài khoảng 18,9km. Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè với đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội về công tác quản lý Hồ Tây |
Hệ thống thu gom rác thải xung quanh Hồ Tây đã được hoàn thành 2/3 giai đoạn, phần lớn nước thải đã được đưa về nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để xử lý. Xung quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng hương Yên Phụ, làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên, sen Quảng An...
Từ tháng 8/2009 đến tháng 9/2016, theo Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố, quận Tây Hồ là đầu mối thống nhất trong việc quản lý, khai thác Hồ Tây. Sau hơn 7 năm UBND quận Tây Hồ quản lý, Hồ Tây đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực như đảm bảo trật tự xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh mặt nước hồ, chống lấn chiếm lòng hồ; hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa thể thao, du lịch…
Giai đoạn từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý, khai thác Hồ Tây do 7 Sở, ngành Thành phố gồm Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND quận Tây Hồ quản lý đan xen theo các lĩnh vực chuyên ngành và quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016, Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND Thành phố. Do đó giai đoạn này việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm khai thác các giá trị, lợi thế của Hồ Tây gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Ngày 19/5 và ngày 25/5/2022, các Sở, ngành, Thành phố tổ chức họp liên ngành xem xét nội dung đề xuất giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây. Liên ngành thống nhất, đề xuất UBND Thành phố giao UBND quận Tây Hồ là đầu mối thống nhất quản lý, khai thác Hồ Tây các lĩnh vực như: trật tự đô thị, quản lý mặt nước, quản lý hạ tầng kỹ thuật xung quanh và trên Hồ Tây; quản lý cấp phép các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí, quản lý việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trong nước…
Trên cơ sở đó, UBND quận Tây Hồ đề nghị UBND Thành phố giao UBND quận Tây Hồ chủ trì quản lý, tổ chức thực hiện các nội dung: quản lý mặt nước Hồ Tây bao gồm mái taluy kè hồ, lòng hồ, đảm bảo vệ sinh mặt nước; công tác chống lấn chiếm lòng hồ.
Về hạ tầng kỹ thuật, quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, quản lý và tổ chức giao thông tại 11 tuyến đường, phố xung quanh Hồ Tây, đầu tư quản lý đối với 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6 được UBND Thành phố phê duyệt); quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản trên hồ Tây; quản lý môi trường nước…
Các lĩnh vực còn lại khu vực Hồ Tây do các Sở, ngành tiếp tục quản lý như mực nước hồ phục vụ tiêu thoát nước của lưu vực; quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom xử lý nước thải; an toàn giao thông, các cơ sở lưu trú…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đỗ Anh Tuấn cho rằng việc quản lý và khai thác Hồ Tây theo Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố đã cho thấy những thuận lợi trong đầu tư, quản lý hạ tầng và khai thác tiềm năng, lợi thế của Hồ Tây.
Các Sở, ngành Thành phố đã tổ chức họp liên ngành xem xét nội dung đề xuất giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây. Trên cơ sở đó, quận Tây Hồ cần đảm bảo đủ điều kiện về mặt cơ sở pháp lý để quản lý Hồ Tây hiệu quả, hạn chế bất cập trước khi được sự đồng thuận của Thành phố giao quyền quản lý Hồ Tây về địa phương.
Khai thác, quản lý Hồ Tây với lộ trình chắc chắn
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng công tác quản lý, bảo vệ, khai thác Hồ Tây do các Sở, ngành Thành phố quán lý đan xen theo theo quy định về phân cấp quản lý Nhà nước tại Quyết định 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016; Quyết định 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác các giá trị, lợi thế của Hồ Tây.
Hồ Tây với diện tích 527,517ha, hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ |
Nếu so sánh với thời điểm thực hiện Quyết định số 92 thì có nhiều ràng buộc, khó khăn, bất cập hơn. Do vậy Sở Xây dựng thống nhất với đề xuất giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây một cách toàn diện.
Việc quản lý vẫn nằm trong hệ thống quản lý nhà nước của các Sở, ngành như việc điều tiết mặt nước, cấp phép xả thải… Toàn bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải chưa được được đầu tư đồng bộ, cần đề xuất thêm với UBND Thành phố để đảm bảo đa dạng sinh học trong Hồ Tây và công tác phòng chống lụt bão, phương án thoát nước mùa mưa…
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận Tây Hồ đã có buổi làm việc với 7 Sở ngành trong việc quản lý Hồ Tây, theo đó chỉ ra được bất cập trong những năm vừa qua như việc xử lý câu cá trộm khó khăn do không có chủ thể; việc nạo vét Hồ Tây, xử lý tàu thuyền... không thực hiện được ngay.
Quận Tây Hồ mong muốn làm tốt việc quản lý theo Quyết định 92, không làm tăng biên chế. Với tinh thần đó, Quận đề nghị các Sở, ngành, Thành phố đồng thuận, thống nhất báo cáo với UBND Thành phố giao quận quản lý Hồ Tây theo Quyết định 92 nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, khai thác tiềm năng, lợi thế của Hồ Tây. Quận cam kết đảm bảo nguồn lực con người, tài chính để quản lý, khai thác hiệu quả Hồ Tây...
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc quận Tây Hồ mong muốn quản lý, bảo vệ, khai thác Hồ Tây một cách toàn diện là chính đáng. Quận cần phải khẩn trương xây dựng các giải pháp tổng thể đảm bảo việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế của Hồ Tây một cách hiệu quả ngay sau khi được UBND Thành phố phê duyệt.
Quận Tây Hồ cam kết sẽ quản lý, khai thác Hồ Tây với lộ trình chắc chắn để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, bất cập hiện nay nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hồ Tây và các vùng phụ cận, góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô