• :
  • :

TPHCM bãi đỗ xe ngầm vẫn trên giấy, Hà Nội dự án treo cả chục năm

Dù luôn trong tình trạng thiếu chỗ đỗ xe, nhưng nhiều dự án xây dựng bãi đỗ ở Hà Nội và TPHCM đều đang bị ngừng hoạt động hoặc dừng triển khai. Nhiều người Hà Nội lo ngại, những khu vực này còn có nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành xây dựng chung cư cao tầng.

TPHCM bãi đỗ xe ngầm vẫn trên giấy, Hà Nội dự án treo cả chục năm

Công viên Lê Văn Tám (Quận 1, TPHCM) được quy hoạch làm bãi xe ngầm vốn đầu tư 110 triệu USD hiện đã bị khai tử. Ảnh: Minh Quân

Hà Nội vẫn còn những dự án treo

Ông Đặng Hoàng Hà - sống tại khu vực Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội - cho biết, dù có ôtô nhưng ông chủ yếu vẫn di chuyển bằng xe máy trong nội thành. Lý do là mỗi lần đi lại bằng ôtô trong thành phố đều phải đi tìm chỗ đỗ, gửi xe rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều dự án bãi đỗ xe tại Hà Nội vẫn đang trong tình trạng "treo", thậm chí còn bị khai tử.

Có thể kể đến Dự án Xây dựng bãi đỗ xe tại khu đất C2-3/P2 phường Gia Thụy, quận Long Biên khởi động từ năm 2021 do Công ty Cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhưng mới đây, Sở KHĐT Hà Nội phải ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án sau hơn chục năm tồn tại.

Một dự án từng gây chú ý khác là dự án Bãi đỗ xe tĩnh phía Nam Đại Cồ Việt do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Người dân trong khu vực cho biết, dự án gần như "bị treo" dù triển khai từ hơn 20 năm.

Liệu có bị chuyển đổi mục đích?

Trao đổi với PV Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - chỉ rõ, trong các quy hoạch phân khu của thành phố đều đã xác định và có quy hoạch riêng cho các bãi đỗ xe với cấp độ khác nhau, thích ứng với dân cư khu vực, bao gồm: điểm đỗ xe dân cư, bãi đỗ xe khu vực và bãi đỗ xe liên tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có một số biến đổi, một số bãi đỗ xe vẫn chưa thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó, lượng phương tiện tăng quá nhanh, hiện đã có 6,6 triệu xe máy, 1,2 triệu ôtô, tốc độ tăng cao hơn gần 12% so với các dự báo. Dân số Hà Nội tăng ngoài tầm kiểm soát cũng góp phần làm ảnh hưởng tới tình trạng chung.

Về lo ngại chuyển đổi mục đích dự án, ông Nghiêm khẳng định, hiện nay Hà Nội đang rà soát lại các dự án trong số hơn 300 dự án chậm tiến độ. Ngoài việc phải áp dụng các công nghệ đỗ xe mới, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để huy động doanh nghiệp tham gia thực hiện có chính sách ưu đãi hợp lý.

Bãi đỗ xe thông minh, tự động đang là giải pháp để Hà Nội giải quyết bài toán thiếu trầm trọng chỗ để xe. Ảnh: Lan Nhi

Bãi đỗ xe thông minh, tự động đang là giải pháp để Hà Nội giải quyết bài toán thiếu trầm trọng chỗ để xe. Ảnh: Lan Nhi

TPHCM loay hoay làm bãi đỗ xe ôtô

Cách đây hơn 10 năm, TPHCM đã quy hoạch 4 dự án bãi xe ngầm ở Quận 1, gồm: Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân khấu Trống Đồng và Sân vận động Hoa Lư với sức chứa tổng cộng khoảng 6.300 ôtô, 4.000 xe máy. Tuy nhiên, công trình duy nhất đã làm lễ động thổ là bãi đỗ xe tại Công viên Lê Văn Tám, vốn 110 triệu USD hiện đã bị "khai tử".

Trong khi đó, bãi đỗ xe ở Sân khấu Trống Đồng tổng mức đầu tư 900 tỉ đồng với 700 chỗ đỗ ôtô và 400 xe máy đã có nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai do gặp nhiều trở ngại, liên tục phải điều chỉnh, cập nhật theo quy hoạch...

Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (nhà đầu tư) cho biết, năm 2016 dự án khi hoàn tất các thủ tục thẩm định thiết kế, chuẩn bị xây dựng thì phải điều chỉnh do vướng ranh tuyến Metro Số 2. Sau đó, dự án bị yêu cầu phải điều chỉnh chức năng, làm thay đổi bản chất quy hoạch đã được duyệt. Đơn vị đầu tư đã nhiều lần kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Tình trạng đình trệ cũng xảy ra tại 2 dự án bãi đỗ xe ngầm ở Sân vận động Hoa Lư và Công viên Tao Đàn. Công trình bãi xe ngầm Công viên Tao Đàn tổng đầu tư 1.055 tỉ đồng, gồm một trệt và bốn tầng ngầm đáp ứng gần 1.200 ôtô, 900 xe máy. Dự án ở Sân vận động Hoa Lư vốn đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng với 5 tầng ngầm phục vụ thương mại và bãi đỗ hơn 2.500 ôtô, 2.873 xe máy. Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đấu thầu tìm nhà đầu tư.

Mới đây, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù, cho phép TPHCM được xây dựng các bãi xe công cộng có thời hạn trên đất do Nhà nước quản lý, Sở GTVT TPHCM đang rà soát 4 vị trí để làm bãi xe cao tầng lắp ghép.

Cụ thể, một phần đường Lê Lai, trước Công viên Lê Văn Tám (Quận 1), một phần Bến xe Chợ Lớn và đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5). Tổng diện tích các khu đất này dự kiến hơn 1.500 m2, sức chứa khoảng 350 ôtô từ 9 chỗ trở xuống và 200 xe máy.

Hiện lượng ôtô thành phố quản lý đã tăng lên hơn 900.000 chiếc, cùng gần 8 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác. Trong khi hệ thống bến bãi ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch.

Mới đây, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Dự kiến từ năm 2024, một số tuyến đường đủ điều kiện sẽ được cho thuê để giữ xe ôtô, xe máy với giá từ 50.000 đồng - 350.000 đồng/m2/tháng tùy khu vực.