• :
  • :

TPHCM tăng tốc phát triển giao thông xanh

TPHCM sẽ dùng ngân sách để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện. Theo lộ trình, thành phố sẽ khoanh vùng áp dụng thí điểm sử dụng xe điện ở một số khu vực, tiên phong là huyện Cần Giờ.

TPHCM tăng tốc phát triển giao thông xanh

Người dân, du khách đón xe buýt điện ở trung tâm TPHCM ngày 25.1. Ảnh: Minh Quân

“Xanh hóa” xe buýt

Nếu được UBND TPHCM chấp thuận, đề án thí điểm xe điện chở du khách tại TPHCM sẽ triển khai từ quý I/2024. Số lượng xe điện hoạt động trong giai đoạn thí điểm tối đa là 200 xe bốn bánh loại từ 5 đến 14 chỗ ngồi. Theo đề án, xe điện được hoạt động trong phạm vi giới hạn trên các tuyến đường, địa điểm khu vực các Quận 1, 4, 5 và 6.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), việc triển khai loại hình xe điện trên góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách tham quan du lịch. Xe điện cũng kết nối với các phương thức khác như buýt, xe đạp... giúp phát triển giao thông công cộng.

Ngoài đề án xe điện phục vụ khách du lịch này, Sở GTVT TPHCM đang lập đề án chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TPHCM. Hiện toàn TPHCM đang có 2.089 xe buýt hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 15 xe buýt điện.

Theo lộ trình, đến năm 2025, TPHCM sẽ chuyển đổi 899 xe sử dụng năng lượng xanh, bao gồm 509 xe hiện hữu (chiếm 36,1% tổng số phương tiện xe buýt) và đến năm 2030, xe năng lượng xanh chiếm 73%.

Về vốn đầu tư xe buýt điện, theo Sở GTVT, dự trù kinh phí đầu tư khoảng 9.559 tỉ đồng cho 3 loại phương tiện điện cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá từ 4 -7 tỉ đồng/xe. Dự án cũng dự trù kinh phí trợ giá cho các tuyến hiện hữu và các tuyến mở mới số tiền hơn 4.242 tỉ đồng. Tổng kinh phí dự trù chuyển đổi, trợ giá xe buýt xanh là hơn 13.000 tỉ đồng.

Với số vốn này, Sở GTVT đề xuất thành phố tiếp tục bố trí kinh phí trợ giá, ưu tiên đối với xe buýt năng lượng xanh và tiếp tục hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện, trạm sạc pin, trạm tiếp nhiên liệu CNG.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển sang xe điện

Nghị quyết 98 của Quốc hội đã trao cho TPHCM nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Dự kiến, trong năm nay, TPHCM sẽ ban hành chính sách, dùng ngân sách để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện.

Đồng thời, TPHCM sẽ chi ngân sách để thu mua, đổi xe cũ sang xe mới sử dụng năng lượng sạch. TPHCM cũng sẽ phân vùng khu vực hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Huyện Cần Giờ được xác định là nơi tiên phong thí điểm các chính sách về phát triển xanh bằng việc vận dụng Nghị quyết 98. Hiện Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đang nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ. Đề án đặt mục tiêu 20%-30% người dân, 30%-50% du khách sử dụng giao thông công cộng tại Cần Giờ; 50%-70% người dân có xe máy điện và 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.

Theo đề án, để khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe máy điện ở huyện Cần Giờ, TPHCM cần có chính sách ưu đãi tài chính để người dân mua xe, chuyển đổi xe như: giảm 50% lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện; hỗ trợ phí đổi xe, mua xe máy điện đối với gia đình, hộ cá nhân (hỗ trợ 10 triệu đồng/xe cho hộ nghèo, cận nghèo và 4-6 triệu đồng/xe đối với hộ thông thường); duy trì lãi suất vay ưu đãi khi mua xe máy điện.

Ngoài ra, không áp dụng phí bảo trì đường bộ đối với xe máy điện, ôtô điện trong vùng; miễn phí gửi xe máy điện tại các công trình công cộng, bãi xe tư nhân (nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố). Ngoài ra, xe máy điện giảm 50.000 đồng/xe trên hóa đơn tiền điện (nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố).

Đồng thời, thành phố tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển xe buýt năng lượng sạch. Phát triển hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng điện cho xe điện tại Cần Giờ.

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) - cho rằng, để phát triển được giao thông xanh, TPHCM cần phải có quy hoạch lâu dài về đi lại, hạ tầng, phủ kín trạm sạc cùng loạt chính sách chuyển đổi. Nhất là chính sách khuyến mãi, trợ giá trong giai đoạn đầu để người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi.

Còn đối với chuyển đổi xe công cộng thì thách thức đặt ra là làm sao chuyển từ xe chạy xăng, dầu sang chạy điện.

Theo ông Tuấn, phải có chính sách đột phá, Nhà nước và tư nhân cùng làm. Phương án tốt nhất là tập trung vào hỗ trợ trong giai đoạn đầu mua và khai thác xe buýt điện, hỗ trợ ít nhất 30% giá trị xe. Sau quá trình khai thác, các đơn vị điều chỉnh trợ giá cho phù hợp. Về phía doanh nghiệp phải cam kết vận hành trên các tuyến buýt tối thiểu 10 - 12 năm. Khi xe buýt điện vận hành sẽ đem lại giá trị tốt hơn, có thể điều chỉnh giá vé cao hơn để bù đắp chi phí đầu tư.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết