• :
  • :

Trình Quốc hội chi hơn 22.450 tỉ đồng cho phòng chống ma túy

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy được đề xuất từ năm 2025 đến hết năm 2030, tổng vốn thực hiện là hơn 22.450 tỉ đồng.

Trình Quốc hội chi hơn 22.450 tỉ đồng cho phòng chống ma túy

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy. Ảnh: Phạm Thắng

Sáng 8.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Về mục tiêu, chương trình đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, trên các tuyến trọng điểm và địa bàn biên giới, trên biển và hàng không.

Đấu tranh hiệu quả tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và lợi dụng không gian mạng; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

Nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; đầu tư trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để thất thoát vào hoạt động sản xuất trái phép các chất ma túy. Xóa bỏ bền vững tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

Quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy; kiềm chế tỉ lệ gia tăng người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; hạn chế thấp nhất tỉ lệ tái nghiện ma túy, người sử dụng trái phép ma túy trở thành người nghiện ma túy mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực cho các cơ sở cai nghiện công lập, bảo đảm đáp ứng công suất và tiêu chuẩn theo quy định.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực cho các lực lượng, cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở trong công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện, người sau cai nghiện ma túy.

Giữ vững và nhân rộng các xã, phường, thị trấn không có ma túy; phấn đấu xây dựng các địa bàn cấp huyện không có ma túy, địa bàn cấp tỉnh không có ma túy; chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.

Nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động.

Nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án, vụ việc về ma túy.

Phiên họp sáng 8.11. Ảnh: Phạm Thắng

Phiên họp sáng 8.11. Ảnh: Phạm Thắng

Về giảm tác hại, bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ y tế giảng viên tuyến tỉnh được tập huấn về can thiệp tâm lý xã hội dành cho người sử dụng trái phép chất ma túy.

Trên 50% người nhà của người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy được tuyên truyền, hướng dẫn về tác động, tác hại và các biện pháp hỗ trợ tâm lý đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

Tổng vốn thực hiện chương trình là 22.450,194 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương: 17.725,657 tỉ đồng (chiếm 78,96%), gồm vốn đầu tư phát triển 9.827 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 7.898,657 tỉ đồng.

Vốn ngân sách địa phương: 4.674,537 tỉ đồng (chiếm 20,82%), gồm: vốn đầu tư phát triển 2.451 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 2.223,537 tỉ đồng.

Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến 50 tỉ đồng (chiếm 0,22%).

Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Lượt xem: 2
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...