• :
  • :

Từ vụ Giám đốc CDC Bình Phước xin trả quà: Xử lý quà tặng thế nào để không phạm tội nhận hối lộ?

Liên quan đến vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước xin trả lại quà đã nhận của Công ty Việt Á, nhiều người đặt câu hỏi: Việc cá nhân trả lại quà đã nhận có được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ?

Theo Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, cơ quan, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết, hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trường hợp không từ chối được thì phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo Điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP. Người nhận quà phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận xác định giá trị của quà tặng. Nếu không xác định được giá trị của quà tặng thì đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá, nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.

Như vậy, khi không từ chối được quà tặng thì trong thời hạn 5 ngày, cá nhân, tổ chức nhận được quà phải báo cáo và nộp lại quà tặng để xử lý - Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về xác định trách nhiệm hình sự, Điều 354 BLHS 2015 về "Tội nhận hối lộ" cũng quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào theo Khoản 1 điều này cho chính bản thân người đó, hoặc cho người, hoặc tổ chức khác để làm, hoặc không làm một việc vì lợi ích, hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Về mặt khách quan, tội nhận hối lộ có các dấu hiệu: Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Có hành vi đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, phi vật chất khác dưới bất kì hình thức nào.

Như vậy, chỉ cần có sự hứa hẹn sẽ nhận những lợi ích vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ đã cấu thành tội nhận hối lộ - Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.

Căn cứ các quy định trên có thể thấy, việc chủ động trả lại quà do doanh nghiệp biếu tặng của một số Giám đốc CDC khi thực hiện việc đấu thầu, mua sắm tài sản công là đáng biểu dương song vẫn trái quy định. Bởi việc làm này diễn ra sau thời điểm nhận được quà hàng tháng liền và chỉ khi vụ việc bị phát hiện.

“Việc trả lại quà trong trường hợp này chỉ được coi là biện pháp chủ động khắc phục hậu quả, tự giác khai báo, còn cơ quan điều tra sẽ xác minh hành vi đã cấu thành tội “nhận hối lộ” chưa. Hành động trả lại quà được xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt chứ không làm thay đổi bản chất sự việc.

Trường hợp CQĐT xác định hành vi đã cấu thành tội "Nhận hối lộ" thì việc trả lại số tiền nhận hối lộ sẽ có ý nghĩa trong việc giảm nhẹ hình phạt.

Nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội bị áp dụng hình phạt tử hình thì việc nộp lại toàn bộ tài sản nhận hối lộ sẽ giúp họ được ân giảm, từ hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân” - Luật sư Thanh Hà phân tích.

Lượt xem: 185
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...