Vì sao Canada kiểm soát súng tốt hơn nước Mỹ?
Sát biên giới với Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu súng và các sự cố liên quan đến súng, Canada có lý do để lo ngại ảnh hưởng của bạo lực súng đạn. Nhưng quốc gia Bắc Mỹ này đã có các biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng này.
Cảnh sát vây quanh hiện trường vụ xả súng ở Enfield, Nova Scotia hồi tháng 4-2020 |
Khi so sánh với nước láng giềng
Vào một buổi tối mùa xuân năm 2020, một tay súng cải trang thành cảnh sát và trang bị vũ khí bán tự động xả súng điên cuồng ở vùng nông thôn Nova Scotia, miền Đông Canada khiến 23 người thiệt mạng. Vài ngày sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất ở Canada, Thủ tướng Justin Trudeau hứa sẽ nhanh chóng hành động. Ông thông báo lệnh cấm ngay lập tức đối với khoảng 1.500 mẫu vũ khí quân dụng và “kiểu tấn công” ở nước này. “Những vũ khí này được thiết kế cho một mục đích duy nhất: Giết được nhiều người nhất trong thời gian ngắn nhất. Không có quyền sử dụng và không có chỗ cho những vũ khí như vậy ở Canada”, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh.
Quyết định của nhà lãnh đạo Canada hầu như không vấp phải tranh luận hay phản kháng chính trị mạnh mẽ giống như ở Mỹ, nơi các vụ xả súng hàng loạt mới nhất một lần nữa cho thấy hậu quả của những tranh luận không có hồi kết về việc kiểm soát súng ở một quốc gia không muốn hoặc không thể đối đầu với bạo lực súng đạn.
Là một quốc gia có hoạt động săn bắn phổ biến, Canada có tỷ lệ sở hữu súng bình quân đầu người vào hàng cao nhất thế giới. Theo Khảo sát về vũ khí nhỏ năm 2018, cứ 100 người dân thì họ sở hữu khoảng 34,7 khẩu súng. Dù vậy, Canada vẫn thua xa Mỹ - nước láng giềng phía Nam, cả về tỷ lệ sở hữu súng và các sự cố liên quan đến súng. Một phần nguyên nhân là do ở nước này, chế độ sở hữu súng yêu cầu kiểm tra lý lịch rộng rãi và yêu cầu giữ súng ở chế độ khóa và không nạp đạn. Chủ sở hữu súng phải được cấp phép và tất cả súng ngắn và hầu hết súng bán vũ khí tự động phải được đăng ký với cảnh sát.
“Thoạt trông Canada đứng bên cạnh Mỹ, quốc gia được trang bị vũ khí mạnh đến mức gần như không thể tin được, chúng tôi trông khá ổn. Nhưng so với các quốc gia dân chủ khác, chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa để giải quyết những lỗ hổng trong hệ thống”, ông Ken Price, một người ủng hộ việc kiểm soát súng nói. Ông Ken Price có con gái Samantha bị thương trong một vụ xả súng hàng loạt năm 2018 ở Toronto khiến 2 người thiệt mạng và 13 người bị thương.
Pháp luật nghiêm túc và khắt khe
Và vụ xả súng ở Nova Scotia năm 2020 là một bằng chứng khác cho thấy rằng ngay cả những hạn chế tương đối chặt chẽ của Canada cũng không đủ giúp ngăn chặn hoàn toàn bạo lực súng đạn. Năm 1989, một tay súng nhắm vào phụ nữ tại trường École Polytechnique của Montreal, khiến 14 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương. Năm 2017, một nam thanh niên bước vào nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Quebec với một khẩu súng trường bán tự động và một khẩu súng lục, khiến 6 người thiệt mạng và 19 người bị thương.
Nhưng không giống như những thảm kịch ở Mỹ, những sự kiện này phần lớn bị lên án, tẩy chay và thúc đẩy những thay đổi đối với các quy tắc mua bán, sử dụng vũ khí. Sau vụ thảm sát tại École Polytechnique, Quốc hội Canada đã thông qua luật dẫn đến việc thành lập cơ quan đăng ký súng trên toàn quốc. Việc Tổng thống Trudeau cấm một số loại vũ khí tấn công mà không có sự phản đối chính trị nào nêu bật quan điểm chống bạo lực súng đạn của phần lớn dân chúng Canada.
Trong một động thái mới nhất, ngày 30-5, Chính phủ Canada trình Quốc hội dự luật hạn chế trên quy mô toàn quốc hoạt động mua, bán, nhập khẩu và chuyển giao súng ngắn ở Canada. Theo đó, Chính phủ sẽ tước giấy phép sử dụng súng của những người có liên quan đến bạo lực gia đình hoặc tội phạm quấy rối, tăng hình phạt hình sự đối với hành vi buôn lậu súng và yêu cầu những người bị coi là mối đe dọa đối với bản thân hoặc người khác phải giao nộp súng. Dự luật cũng cấm bán băng đạn lớn và yêu cầu các băng đạn dành cho súng trường không thể chứa quá 5 viên đạn.
Theo Thủ tướng Trudeau, ngoài việc sử dụng súng vì mục đích thể thao và săn bắn, “không có lý do gì đối với bất cứ ai ở Canada cần súng trong cuộc sống hàng ngày của họ”. Quy định được đưa ra chỉ vài ngày sau vụ xả súng chấn động vào trường tiểu học ở Texas, Mỹ.
“Những lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát súng của Canada vẫn còn. Không chỉ cần có luật pháp quy định cụ thể về loại súng và đạn dược công dân có thể sở hữu, cũng cần các tổ chức có khả năng giáo dục, can thiệp hay cảnh sát có khả năng tước đi vũ khí mà họ nghi ngờ có rủi ro”.