• :
  • :

Xã hội hóa hoạt động truyền tải điện: Cần thiết, nhưng quy định phải rõ ràng

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chiều ngày 7/1/2022, đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt quan tâm nâng mức hỗ trợ tốt hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế phát triển,

Sáng ngày 10/1, Quốc hội thảo luận về các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (8 luật).

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu hội trường Diên Hồng, sáng ngày 10/1
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu hội trường Diên Hồng, sáng ngày 10/1

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, về việc sửa đổi Luật Điện lực, tôi đồng tình với việc cần thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Đây là vấn đề vốn gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển về điện, nhất là điện gió, điện mặt trời.

Qua đánh giá của Chính phủ, tôi thấy quy định về quản lý chưa rõ ràng. Cụ thể, chưa đánh giá về việc vận hành, khai thác và bàn giao như thế nào, vấn đề xây dựng lưới điện truyền tải với an ninh năng lượng quốc gia ra sao?” - ông Nguyễn Minh Sơn nêu, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia qua các thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực truyền tải điện.

Theo đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) để hiện thực hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả tổng thể của hoạt động truyền tải điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực và Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước như thế nào cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải trừ lưới điện cho phép thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy, theo đại biểu chưa chặt chẽ, chưa thể hiện vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn điện trong mọi hoàn cảnh và tình huống.

Do đó, ông Vũ Huy Khánh đề nghị quy định này cần điều chỉnh lại theo hướng: “Nhà nước không độc quyền song có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả các công trình đó do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư, xây dựng

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận từ điểm cầu hội trường Diên Hồng
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, dự thảo luật chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn tới tuỳ tiện trong áp dụng. Vì vậy tôi đề nghị quy định cụ thể 3 nội dung sau: Thứ nhất, cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể được tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đồng thời, chủng loại nào do nhà nước quy hoạch và chỉ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện.

Thứ hai, cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Thứ ba, quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của nhà đầu tư.

Theo dự thảo luật sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân tham gia vận hành, điều này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng hệ thống có những chủ thể vận hành khác nhau. “Lưới điện truyền tải cần có sự quản lý vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn hệ thống. Nên cần cân nhắc thận trọng để tránh gây ra hậu quả sau này” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đối với vấn đề giá điện, việc tư nhân hoá có thể tác động đến giá điện, giá điện có thể rất cao. Do đó, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Sau khi đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp có thể giao cho Nhà nước vận hành. “Tuy nhiên về cơ chế định giá, phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể trong dự thảo. Hệ thống lưới điện truyền tải là tài sản, thời gian qua có trường hợp định giá không chuẩn xác gây thiệt hại lớn, vì vậy cần có quy định cụ thể” - đại biểu đoàn TP. Hà Nội nói.

Về lựa chọn nhà đầu tư, bà Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ thêm, để đảm bảo minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng cần xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để tất cả các doanh nghiệp có thể cạnh tranh tham gia. “Chính sách, chủ trương đến cuộc sống cả một khoảng cách. Do đó, để pháp luật đi vào cuộc sống rất cần thiết có những quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý. Trong trường hợp chưa chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ chặt chẽ thì nên tiếp tục nghiên cứu, lùi lại Quốc hội kỳ họp sau” - bà Mai nhận định.

Quỳnh Nga- Lan Anh
Lượt xem: 196
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết