Xây cầu bản Mọc tặng người dân vùng cao
Ngày 18/9, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cây cầu tại bản Mọc, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là cây cầu số 115 trong chương trình “Cầu nối yêu thương” của doanh nghiệp này xây tặng Nhân dân các địa phương trên địa bàn cả nước.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cầu tại bản Mọc, xã Nánh Nghê,huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình |
Ngay từ sáng sớm, các cơ quan chức năng huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình và người dân, các học sinh đã tập trung tại bản Mọc, trong niềm hân hoan chào đón đoàn công tác của Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong về khởi công xây dựng cầu.
Người dân đều xúc động khi ước mơ có cây cầu lâu nay đã thành sự thật. Đồng thời, họ tin tưởng cây cầu sẽ giúp cuộc sống đỡ vất vả, từng bước thoát nghèo và phát triển sản xuất.
Ông Hứa Quang Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phát biểu tại buổi lễ |
Tại lễ khởi công, đại diện Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - ông Hứa Quang Vinh, Phó Giám đốc Phát triển thị trường vui mừng chia sẻ: “Cách đây hơn 4 năm, Nhựa Tiền Phong đã dành tặng cây cầu Dồng Cài ở huyện Lạc Sơn cho người dân tỉnh Hòa Bình và bây giờ lại tiếp tục xây dựng cây cầu thứ 2 dành tặng cho bà con bản Mộc. Cây cầu sẽ mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân cùng các em nhỏ nơi đây. Đây cũng là mục tiêu trên chặng đường phát triển bền vững của Nhựa Tiền Phong.
Nhựa Tiền Phong sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, quyết tâm hoàn thành trong quý IV/2023 để người dân đi lại thuận lợi và các em nhỏ có một năm học mới an toàn. Trong năm 2023, Nhựa Tiền Phong đặt ra mục tiêu xây dựng 20 cây cầu nối yêu thương trên toàn quốc; Đồng thời trao tặng nhiều phần quà và học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học".
Nhân dân bản Mọc vui mừng dự lễ khởi công xây dựng cầu |
Bản Mọc - một bản nghèo thuộc xã Nánh Nghê, địa hình phần đa là đồi núi cao, khí hậu ẩm thấp, mưa lũ diễn ra hàng năm, nên cuộc sống của người dân bao năm vẫn không dư dả. Các em nhỏ lớn lên trong điều kiện hết sức khó khăn thiếu thốn. Nhân dân ở đây sống trên núi cao, giao thông đi lại khó khăn khi cách xa huyện bằng con đường đèo quanh co, nguy hiểm dài 80km.
Bản Mọc có 142 hộ dân, 557 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mường, mưu sinh chủ yếu nhờ trồng trọt và chăn nuôi, gần như tự cung tự cấp. Không chỉ vậy, bản Mọc dường như tách biệt, khi bao quanh bản là con suối Khảm với dòng nước chảy siết. Mỗi khi lũ về, dòng nước hung dữ cuốn trôi tất cả, từ những cây cầu tạm bợ cho đến cầu bê tông chắc chắn.
Những lúc như vậy, người dân đành chịu cảnh cô lập, các em nhỏ dù các em rất ham học nhưng không thể đến trường, khiến việc học bị gián đoạn.
Học sinh và giáo viên bản Mọc hàng ngày vẫn phải lội qua con suối để đến trường |
Cây cầu gần đây nhất được địa phương xây dựng năm 2017 nhưng chỉ sau một thời gian ngắn phục vụ người dân, cơn lũ lịch sử tràn qua đã cuốn đi con đường giao thông huyết mạch của bà con nơi đây, để lại những mảnh bê tông vụ vỡ nằm ngổn ngang dưới lòng suối.
Trong 6 năm qua, người dân chỉ có thể tự làm lấy những chiếc cầu tre tạm bợ nhưng chỉ cần nước dâng lên, cầu tre bị cuốn trôi. Dù nguy hiểm nhưng với điều kiện kinh tế còn khó khăn và hạn chế, bà con vẫn ngày ngày lội qua suối Khảm cùng 149 em học sinh lăn lộn trên con đường đến trường.
Vì vậy, mong mỏi bấy lâu nay của người dân bản Mọc nói riêng và xã Nánh Nghê nói chung chính là có một cây cầu mới vững chắc giúp bà con thuận lợi trong sinh sống và đi lại. Các em học sinh có thể an toàn đến trường mà không phải nghỉ học mỗi mùa lũ về.
Ông Đặng Minh Tấn - Chủ tịch xã Nánh Nghê phát biểu tại buổi lễ xây dựng cầu |
Ông Đặng Minh Tấn - Chủ tịch xã Nánh Nghê chia sẻ: “Chúng tôi đã liên hệ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cây cầu mới để có con đường an toàn cho người dân và trẻ em đi lại thuận tiện, cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn. Trước thực trạng cấp thiết đó, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã nhanh chóng khảo sát và lên phương án xây dựng cây cầu dành tặng bà con bản Mọc. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa đối với chính quyền và Nhân dân địa phương".
Chương trình Cầu nối yêu thương là hoạt động an sinh xã hội cộng đồng do Nhựa Tiền Phong triển khai từ tháng 10/2017 với mong muốn xây dựng được nhiều cây cầu tại các khu vực khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và an toàn cho các em nhỏ trên con đường tới trường. Hơn 6 năm triển khai, gần 120 cây cầu đã được Nhựa Tiền Phong xây dựng tại các tỉnh thành trên cả nước với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. |