Xung đột Nga - Ukraine cần giải quyết bằng đàm phán hòa bình
Những cái giá phải trả ngày càng đắt cho cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine không chỉ đến với 2 nước này mà còn xảy ra với hàng tỷ người trên thế giới do nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Nó đặt ra những đòi hỏi ngày càng cấp bách về việc phải chấm dứt xung đột bằng đàm phán hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Xung đột càng kéo dài, tổn thất càng nặng nề
Trong phát biểu khai mạc cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5-4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự thế giới hiện nay bởi “bản chất, cường độ và hậu quả của nó”. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cuộc xung đột không chỉ gây tổn thất nặng nề cho các bên tham gia trực tiếp mà thậm chí còn gây áp lực hơn cho các nước đang phát triển với hơn 1,2 tỷ người bị tổn thương do giá lương thực, năng lượng và phân bón tăng cao. Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến một số nước chuyển từ mức độ dễ tổn thương sang khủng hoảng và những dấu hiệu về bất ổn xã hội nghiêm trọng”. Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga - Ukraine phải được chấm dứt và các bên cần tiến hành đàm phán nghiêm túc vì hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Chỉ có đàm phán hòa bình mới giải quyết được cuộc xung đột Nga - Ukraine |
Người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra những cảnh báo và kêu gọi trên trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài gần 1,5 tháng với những tổn thất nặng nề cho cả 2 bên. Dù các thông tin về số thương vong 2 phía Nga và Ukraine rất khác nhau, nhưng con số đã lên tới hàng nghìn. Trong khi chiến sự tàn phá nặng nề nhiều công trình, cơ sở hạ tầng ở Ukraine thì đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Nga, không chỉ trước mắt mà có thể còn lâu dài.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thuộc Liên hợp quốc ngày 5-4 công bố kết quả cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 24-3 đến 1-4 cho thấy, ước tính 7.138.715 người đã phải sơ tán trong lãnh thổ Ukraine, tăng so với 6,48 triệu người trong đợt khảo sát đầu tiên vào ngày 16-3. Ngoài hơn 7,1 triệu người sơ tán nội địa và thêm 2,9 triệu người khác ở Ukraine đang cân nhắc việc đi sơ tán, cũng đã có hơn 4,2 triệu người Ukraine đã phải đi lánh nạn sang những nước khác.
Cuộc xung đột ở Ukraine còn gây áp lực, tổn thương cho hàng tỷ người liên quan khác trên thế giới do bị tổn thương bởi giá lương thực, thực phẩm, phân bón, nhiên liệu, cũng như nhiều mặt hàng vật tư thiết yếu đầu vào tăng quá cao. Hãng tin Bloomberg ngày 5-4 dẫn các phân tích cho rằng, hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn.
Các chuyến giao hàng từ Ukraine và Nga (vốn chiếm khoảng 1/4 kim ngạch thương mại ngũ cốc toàn cầu, trị giá khoảng 120 tỷ USD) đang trở nên khó khăn hơn, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực. Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley từng cảnh báo, khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng trên bờ vực của nạn đói do đại dịch Covid-19, khoảng 811 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng. Cuộc xung đột Nga - Ukraine vì thế gây ra những tác động nghiêm trọng, khiến một số quốc gia đứng trước nguy cơ thảm họa thiếu lương thực, trong đó chủ yếu là những nước nghèo.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra nhiều hệ lụy cho cả 2 nước và các quốc gia khác trên thế giới |
Sớm chấm dứt chiến sự, đàm phán hòa bình
Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài thì càng gây những hậu quả nặng nề về nhân đạo, chính trị, an ninh và kinh tế cho rất nhiều quốc gia khác, làm tổn thương tới hàng tỷ người nghèo, người yếu thế. Với thế giằng co hiện nay, xung đột Nga - Ukraine có thể còn kéo dài, khó bên nào có thể giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự. Vì thế, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cuộc xung đột này phải được chấm dứt và các bên cần tiến hành đàm phán nghiêm túc vì hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong diễn biến mới nhất liên quan, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng với các thành viên của Nhóm liên lạc Liên đoàn Arab (AL) về khủng hoảng Ukraine đã tiến hành tham vấn trong ngày 5-4 với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Thủ đô Warszawa của Ba Lan, với mục tiêu đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các nhà ngoại giao quốc tế nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và chấm dứt khủng hoảng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng kéo dài cũng như những hậu quả về nhân đạo, chính trị, an ninh và kinh tế, các nhà ngoại giao quốc tế khẳng định sự ủng hộ của các nước đối với các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine và việc chấm dứt các hoạt động quân sự. Vấn đề ưu tiên cấp bách lúc này là 2 bên phải sớm đạt được một lệnh ngừng bắn, cũng như một thỏa thuận để giải quyết khủng hoảng và khôi phục hòa bình, an ninh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhiều lần nhấn mạnh, cần giải quyết xung đột này bằng biện pháp hòa bình bởi “sớm hay muộn cũng sẽ phải chuyển từ chiến trường sang bàn đàm phán”. Khoảng 10 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và dư chấn của cuộc xung đột đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Giá lương thực, năng lượng, phân bón… tăng chóng mặt đang có nguy cơ dẫn thế giới đến một nạn đói.
Từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của đất nước mình, khi lên tiếng về cuộc xung đột ở Ukraine, Việt Nam nêu rõ rằng, chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.
Là thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia các nỗ lực nhân đạo đối với Ukraine. Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.