3 loại hạt bổ thận cho người bệnh gout
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh gout, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ tổn thương thận.
Hạt bí là thực phẩm lành mạnh, tốt cho thận người bệnh gout. Ảnh đồ hoạ: Hương Sơn
Bên cạnh việc hạn chế thực phẩm giàu purin như nội tạng, hải sản, người bệnh cần tăng cường thực phẩm hỗ trợ chức năng thận, giảm viêm, điều hòa chuyển hóa. Trong đó, các loại hạt dinh dưỡng là lựa chọn được khuyến khích nếu biết sử dụng đúng cách. Dưới đây là ba loại hạt vừa có tác dụng bổ thận, vừa an toàn cho người bệnh gout.
Hạt bí
Hạt bí (bí ngô) giàu magie, kẽm, chất chống oxy hóa và omega-3 từ thực vật. Đây là những dưỡng chất có vai trò cải thiện chức năng miễn dịch, giảm viêm, hỗ trợ hoạt động của thận. Đặc biệt, magie giúp điều hòa huyết áp yếu tố nguy cơ thường đi kèm với gout và bệnh thận mạn.
Tiến sĩ Shilpa Ravella, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ), nhận định: “Một chế độ ăn có sự hiện diện của các loại hạt như hạt bí sẽ giúp giảm tình trạng viêm thấp cấp kéo dài ở bệnh nhân gout, đồng thời bảo vệ các mạch máu nhỏ trong thận khỏi tổn thương do acid uric".
Tuy nhiên, người bệnh nên chọn loại hạt bí nguyên chất, không rang muối hay tẩm gia vị để tránh tăng lượng natri, từ đó gây tích nước và ảnh hưởng đến huyết áp cũng như chức năng lọc của thận.
Hạt lanh
Hạt lanh chứa nhiều axit béo omega-3, chất xơ hòa tan và lignan hợp chất thực vật có đặc tính chống viêm mạnh. Đặc điểm này khiến hạt lanh trở thành thực phẩm lý tưởng cho người bệnh gout vốn có rối loạn chuyển hóa mạn tính.
Nghiên cứu đăng trên Journal of Renal Nutrition cho thấy việc bổ sung hạt lanh có thể giúp cải thiện chỉ số viêm (CRP) và ổn định lipid máu ở bệnh nhân thận mạn. Ngoài ra, hạt lanh còn giúp kiểm soát đường huyết một yếu tố quan trọng ở bệnh nhân gout có kèm tiểu đường type 2.
“Không chỉ hỗ trợ kháng viêm, hạt lanh còn có tác dụng làm sạch ruột và hỗ trợ đào thải chất cặn. Điều này giúp giảm gánh nặng cho thận ở bệnh nhân gout”, chuyên gia dinh dưỡng Fiona Hunter (Anh quốc) cho biết. Tuy nhiên, hạt lanh nguyên hạt khó tiêu, do đó người bệnh nên dùng dạng xay nhỏ, liều lượng khoảng 1-2 thìa cà phê mỗi ngày.
Hạt óc chó
Hạt óc chó nổi tiếng với lượng lớn axit béo omega-3, vitamin E, axit amin arginine tất cả đều có tác dụng chống oxy hóa, tăng tuần hoàn máu và bảo vệ nội mô mạch máu thận. Đối với người bệnh gout, hạt óc chó không chỉ giúp cải thiện tình trạng viêm khớp mà còn góp phần giảm nguy cơ tổn thương thận mạn tính một biến chứng phổ biến nếu acid uric tích tụ kéo dài.
Tiến sĩ George Bakris, Giám đốc Trung tâm Cao huyết áp và Bệnh thận tại Đại học Chicago (Mỹ), khuyến cáo: “Việc bổ sung các loại hạt như óc chó có thể cải thiện chức năng nội mô và giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch ở người bệnh thận mạn điều có lợi rõ rệt với bệnh nhân gout".
Người bệnh chỉ nên ăn khoảng 5-6 hạt óc chó mỗi ngày, tránh ăn kèm với sữa đặc, đường hoặc muối những gia vị có thể gây ảnh hưởng xấu đến chuyển hóa purin hoặc huyết áp.