6 dấu hiệu người mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế điều trị
Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, người dân cần trang bị kiến thức về bệnh này, khi thấy có những dấu hiệu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế sớm để điều trị.
Giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 trường hợp (tăng khoảng 97% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp.
So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/5) số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỷ lệ chết/mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho hay, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Theo ông Khuê, việc chẩn đoán sốt xuất huyết sớm rất quan trọng, để tránh bệnh diễn biếng nặng và gây ra những biến chứng không đáng có.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng ở người mắc bệnh sốt xuất huyết cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm:
1. Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);
2. Nôn liên tục;
3. Đau bụng dữ dội;
4. Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;
5. Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;
6. Khó thở
Do đó, cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ gặp các biểu hiện trên, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị.
Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, hiện nay có tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.
"Trong bối cảnh số ca nhiễm có thể tăng cao, chúng ta phải tăng cường công tác điều trị để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết," ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu… Những bệnh nhân được chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh <100k/microL, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền…
Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết).
Việt Nam là quốc gia có số ca mắc sốt xuất huyết cao
So sánh với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế đánh giá Việt Nam là nước có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất so với Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao công tác phòng, chữa bệnh sốt xuất huyết của Việt Nam, tuy nhiên chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho hay trong bối cảnh COVID-19 chưa chấm dứt người dân đôi khi còn nhầm lẫn giữa các triệu chứng của sốt xuất huyết, COVID-19 và các bệnh lý khác.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay sốt xuất huyết trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị. Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần nói về nguy cơ, cung cấp cho người dân kiến thức nhận biết sốt xuất huyết, điều trị kịp thời...
Theo đại diện Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sỹ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.