• :
  • :

Bệnh nhân tiểu đường nguy cơ cao gặp biến chứng khi bị sốt xuất huyết

Hà Nội vừa trải qua một tuần ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong năm 2023 (từ ngày 1 đến 8.9). Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng với những người có bệnh nền, như bệnh nhân tiểu đường.

Bệnh nhân tiểu đường nguy cơ cao gặp biến chứng khi bị sốt xuất huyết

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện E

Cụ thể, theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1 đến 8.9), thành phố ghi nhận gần 1.700 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Đây là tuần có ca mắc cao nhất trong năm nay.

Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hoàng Mai (137 ca), Đống Đa (119 ca), Thanh Trì (115 ca), Hà Đông (109 ca), Nam Từ Liêm (104 ca)...

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 8.400 ca sốt xuất huyết. Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 ca tử vong. Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất ở miền Bắc.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.

Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng… nhất là với những người có bệnh nền.

Đối với người bệnh tiểu đường có hệ miễn dịch suy giảm, sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.

Người bệnh tiểu đường mắc bệnh sốt xuất huyết có tiểu cầu thấp hơn so với những người bình thường. Số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao.

Sốt xuất huyết làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất và điều này có thể dẫn đến sự biến động của lượng đường trong máu và cản trở quá trình điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu ở người đái tháo đường.

Không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, vì vậy những người bị tiểu đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc dengue, nếu không may mắc bệnh.

Khi nghi ngờ bị xuất huyết với biểu hiện đặc trưng nhất là sốt cao liên tục trên 38 độ C mà không giảm khi uống thuốc hạ sốt thì nên làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, không tự ý điều trị tại nhà.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, kéo dài, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 5480/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trong đó, các cơ sở y tế dự phòng phải đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.