• :
  • :

Cảnh báo ngộ độc thuốc do tự ý điều trị sốt xuất huyết

Ghi nhận tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội đang điều trị khá đông các bệnh nhân sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuốc hạ sốt khi tự ý sử dụng để điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vào ngày 13/11, trong tuần (từ ngày 4 - 11/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần Hà Nội cũng ghi nhận thêm 83 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 12 quận, huyện, trong đó nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai với 24 ổ dịch, tiếp đến là Đống Đa (12 ổ dịch), Hà Đông (9 ổ dịch), Thanh Oai (8 ổ dịch), Thanh Trì (7 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (6 ổ dịch), Hai Bà Trưng (5 ổ dịch), Thanh Xuân (4 ổ dịch), Hoài Đức (4 ổ dịch), Thạch Thất (2 ổ dịch), Chương Mỹ (1 ổ dịch), Thường Tín (1 ổ dịch).

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Bệnh viện

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được điều trị tại bệnh viện

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Hiện tại, nhiều bệnh viện của Hà Nội và tuyến Trung ương đang quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội đang điều trị khá đông các bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung Ương) đang có khoảng 40-50 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú (tăng gấp 2 lần so với tuần trước), trong đó có một số ca bệnh nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương hiện có khoảng 90-100 ca mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong đó có từ 10-20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Thậm chí, có ngày, hơn một nửa bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu là ca mắc sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó khoảng 30-40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao...

Những lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân nặng mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Với những bệnh nhân được đưa đến viện sớm thì tiến triển ổn, bình phục nhanh. Còn đối với những bệnh nhân đến bệnh viện muộn thì việc điều trị rất khó khăn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo người dân nên chú ý khi sử dụng thuốc hạ sốt khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Trong vài ngày đầu tiên khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao liên tục, đau đầu, đau người dữ dội… nhiều người đã tự ý tăng liều hoặc dùng nhiều lần thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, dẫn tới tăng men gan, tổn thương gan.

Paracetamol hay acetaminophen (Tylenol) là thuốc giảm đau, hạ sốt được dùng cho người bệnh sốt xuất huyết. Thuốc giúp hạ sốt và làm dịu cơn đau đầu, đau mình mẩy… Thuốc được dùng với liều 10-15mg/kg/lần, tối đa 4-6 lần/ngày, không quá 60mg/kg/24 giờ.

Khi bệnh nhân làm theo hướng dẫn trên nhãn (chai) thuốc, thuốc sẽ rất hữu ích và an toàn, và nhìn chung nó không gây khó chịu cho dạ dày như các loại thuốc giảm đau khác. Tuy nhiên, nhiều người thấy sốt không hạ nhiều, đã tăng liều paracetamol hoặc dùng nhiều hơn số lần khuyến cáo trong ngày đã dẫn tới tăng men gan (tổn thương gan). Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy gan.

Do đó, trước khi dùng thuốc hạ sốt để điều trị sốt xuất huyếtcần đọc kỹ nhãn sản phẩm và hướng dẫn sử dụng thuốc. Người bệnh chú ý không dùng nhiều hơn chỉ dẫn, ngay cả khi vẫn còn đau hoặc cảm thấy không khỏe. Khi tuân thủ liều khuyến cáo, cũng không nên dùng paracetamol quá 10 ngày để giảm đau hoặc 3 ngày nếu bị sốt.

Người bệnh khi mắc sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

Cảnh báo ngộ độc thuốc do tự ý điều trị sốt xuất huyết

Ảnh minh hoạ

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, TS Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/loăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng...

Các địa phương phát động người dân thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Lượt xem: 29
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-ngo-doc-thuoc-do-tu-y-dieu-tri-sot-xuat-huyet-210935.html?fbclid=IwAR0R660fXhSshrb6CHFPLuj3Gl31CnVT0k3Ks8ZC2m-RtsZYY3NbrFxC8a8 Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...