• :
  • :

Cảnh giác 5 bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng lúc

Bên cạnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường, người dân tại Hà Nội cần cảnh giác các bệnh truyền nhiễm hay gặp khác trong mùa thu như cúm A/B, sốt xuất huyết Dengue, virus hợp bào hô hấp (RSV) hay bệnh chân tay miệng.

Nguy cơ “dịch chồng dịch” tại Hà Nội

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Medlatec trong tuần đầu tháng 8 ghi nhận 4846 ca xét nghiệm cúm, trong đó có 1455 ca cúm A (chiếm 30%), cúm B là 156 ca (chiếm 3,2%). So với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm A tăng 144%.

Bên cạnh bệnh cúm đang hoành hành trong cộng đồng, Trung tâm tiếp tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết.

Thống kê tuần đầu tháng 8 ghi nhận 168 trường hợp dương tính sốt xuất huyết trong tổng số 1390 trường hợp xét nghiệm Dengue (chiếm 12%). So với cùng kỳ tháng 7, tổng chỉ định làm xét nghiệm Dengue tăng 121% và số lượng có chẩn đoán Dengue dương tính tăng 305%.

Cảnh giác 5 bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng lúc

Bệnh nhi được làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lý

Cùng thời gian này, Trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca mắc bệnh viêm đường hô hấp có kết quả dươnh tính virus hợp bào hô hấp RSV, dương tính bệnh tay chân miệng.

Ghi nhận nhanh tại Chuyên khoa Nhi của bệnh viện, ThS.BS Dương Thị Thủy cho biết: "Thời gian vừa qua bệnh cúm A được nhắc đến nhiều. Do đây là bệnh truyền nhiễm hay gặp ở mùa đông xuân nhưng năm nay cúm A xuất hiện bất thường trong mùa hè, mùa thu. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan với các bệnh truyền nhiễm khác".

BS Thủy chia sẻ, chuyên khoa Nhi đã ghi nhận những trẻ đến khám do sốt. Sau đó, bác sĩ dựa vào biểu hiện lâm sàng khi thăm khám như: Hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, khò khè, mụn nước lòng bàn tay chân… cộng với yếu tố dịch tễ (nơi ở, nơi làm việc có người mắc bệnh) để đưa ra chỉ định phù hợp cho từng bệnh nhi.

Kết quả chẩn đoán trẻ mắc bệnh rất đa dạng, đó không chỉ là bệnh cúm, mà còn ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết, COVID-19, sốt virus thông thường. Thậm chí nếu kèm thêm khò khè thì lưu ý nhiễm viurs hợp bào hô hấp RSV ở trẻ nhỏ, hen phế quản ở trẻ lớn hoặc nếu xuất hiện mụn tay chân thì lưu ý bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, BS Thủy lưu ý, sốt cũng có thể biểu hiện trong các trường hợp nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phế quản phổi, tiêu chảy nhiễm khuẩn.

Còn theo chia sẻ của BSNT Trần Tiến Tùng - chuyên khoa Truyền nhiễm, BVĐK Medlatec, các bệnh nhân đến khám có dấu hiệu sốt, đau họng, ho, đau mỏi người... ngoài chẩn đoán mắc viêm gan B, C, thì đa số những trường hợp này có chẩn mắc cúm và sốt xuất huyết.

Cách phòng bệnh truyền nhiễm

Với sự ghi nhận trên cho thấy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngoài số người tái nhiễm COVID-19 gia tăng, người dân phía Bắc, đặc biệt ở Hà Nội nên cảnh giác nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Nhất là thời điểm hiện nay mưa nắng thất thường, lượng người dân di chuyển trong mùa du lịch tăng cao, cộng với việc tập trung nơi đông người ở siêu thị, chung tâm thương mại, bến xe, hay việc trẻ quay bắt đầu đi học hè trở lại, đặc biệt là ngày tựu trường tới đây càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Cảnh giác 5 bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng lúc

Số lượng trẻ mắc bệnh nhập viện khám và điều trị tăng nhanh

Do đa số các bệnh truyền nhiễm nêu trên (trừ cúm, COVID-19) hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lý truyền nhiễm, BS Thủy khuyên tất cả người dân, đặc biệt là người có sức đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh và gây biến chứng nặng nề cần chú ý phòng tránh bệnh bằng các biện pháp sau: Ăn uống hợp vệ sinh, bảo bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ; Tiêm vắc xin phòng bệnh như vắc xin cúm, COVID-19...

Bên cạnh đó, mọi người nên tránh tập trung nơi đông người, nếu đến nơi đông người cần bảo vệ bằng đeo khẩu trang y tế và tránh khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây nhiễm sang người xung quanh.

Để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, nếu người dân phát hiện cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường như sốt, nổi hồng ban mụn nước, loét miệng, tiêu chảy, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Do các dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên làm các xét nghiệm được xem như tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán xác định các mắc bệnh lý hay không.

Việc làm xét nghiệm này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân mắc bệnh, mà bác sĩ có cơ sở để theo dõi diễn biến và điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.

Do đó, người dân cần đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để được thăm khám và thực hiện xét nghiệm đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Lượt xem: 115
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...