• :
  • :

Dịch thủy đậu bùng phát mạnh trong các trường học ở Đắk Lắk

Đắk Lắk - Thời gian qua, dịch bệnh thủy đậu đã và đang bùng phát mạnh ở trong các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học.

Nhiễm bệnh do chưa được tiêm vaccine

Theo Sở Y tế Đắk Lắk: Tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 204 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Các ca nhiệm tập trung chủ yếu tại huyện Lắk, Ea Kar, Krông Pắk và TP.Buôn Ma Thuột. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường mầm non và tiểu học.

Tình hình bệnh thuỷ đậu vẫn tiếp tục diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh, số trường hợp bệnh vẫn tiếp tục được ghi nhận và có chiều hướng lan rộng.

Nhiều trường hợp trẻ em nhiễm bệnh thủy đậu ở Đắk Lắk từ đầu năm 2023 đến nay. ảnh: Quang Nhật

Nhiều trường hợp trẻ em nhiễm bệnh thủy đậu ở Đắk Lắk từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: Quang Nhật

Đơn cử, giữa tháng 3, ổ dịch tại Trường Mầm non Ngọc Lan, thị trấn Ea Kar, (huyện Ea Kar) ghi nhận 17 trường hợp mắc thủy đậu là học sinh trong cùng 1 lớp.

Đáng chú ý, tất cả các trường hợp mắc chưa được tiêm vaccine thủy đậu.

Ngoài ra, từ ngày 17 đến 23.3, ở ổ dịch tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Đăk Nuê (huyện Lắk) ghi nhận thêm 13 trường hợp là học sinh và giáo viên tại trường. Và tất cả các trường hợp mắc chưa được tiêm vaccine thủy đậu.

Đại diện Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, theo một số nghiên cứu về vaccine thủy đậu thì hiệu quả bảo vệ là từ 88 đến 98%. Có khoảng 2% các trường hợp tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên, tình trạng bệnh nhẹ và không có biến chứng.

Vaccine thủy đậu hiện tại chưa triển khai trong tiêm chủng thường xuyên mà chỉ triển khai tiêm chủng dịch vụ.

Giá thành vaccine cao, bệnh diễn biến thường nhẹ nên người dân chủ quan và ít hưởng ứng việc tiêm phòng.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - đánh giá:  Trước tình hình dịch bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp, sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, tổ chức điều tra dịch tễ trong khu vực có trường hợp bệnh, các cơ sở y tế, kể cả cơ sở y tế tư nhân; đặc biệt chú ý các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT để cảnh báo dịch sớm.

Khi có trường hợp nghi ngờ thủy đậu, người bệnh phải tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, không để tử vong.

Cán bộ y tế cơ sở hướng dẫn người dân phòng tránh bệnh thủy đậu. Ảnh: Quang Nhật

Cán bộ y tế cơ sở hướng dẫn người dân phòng tránh bệnh thủy đậu. Ảnh: Quang Nhật

Theo ông Phi La: Việc quan trọng nhất để kiểm soát dịch bệnh đó là phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các trường học như:

Giáo viên, học sinh và phụ huynh phải nhận biết được cách phát hiện bệnh, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, dụng cụ, đồ dùng và vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng bệnh thuỷ đậu theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực… tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Cơ sở y tế hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong và thực hiện nghiêm việc phòng lây nhiễm trong bệnh viện. 

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết