• :
  • :

Mạng lưới giám sát tác nhân gây bệnh toàn cầu để ứng phó với dịch bệnh

Sự lan truyền nhanh chóng của biến thể Omicron cho thấy yêu cầu cấp thiết về một mạng lưới theo dõi mầm bệnh toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai có thể được kiểm soát và ngăn chặn một cách tốt hơn ngay từ đầu bằng cách “đi trước đón đầu” các loại virus đột biến một bước. Thế giới cần phải áp dụng các công nghệ giám sát mới để dự đoán và hạn chế những tác động không mong muốn từ các mầm bệnh trong tương lai. 

Mạng lưới giám sát tác nhân gây bệnh toàn cầu để ứng phó với dịch bệnh ảnh 1

Công nghệ giám sát giúp dự đoán và hạn chế những tác động không mong muốn từ các mầm bệnh trong tương lai

Áp dụng công nghệ để “chiến thắng” cả những đại dịch tiếp theo

Trong dịp nghỉ lễ, Tết vừa qua tại nhiều quốc gia trên thế giới, virus gây dịch Covid-19 tiếp tục là những vị khách không mời thầm lặng lây lan trong các buổi tụ họp. Thế giới bước vào năm thứ ba đối phó với đại dịch Covid-19 và không ít người tự hỏi khi nào thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại trạng thái bình thường. Theo các chuyên gia, nếu “trạng thái bình thường” được hiểu theo nghĩa là loại bỏ được hoàn toàn Covid-19, thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ bình thường trở lại! Diễn tiến của đại dịch với sự biến đổi khó lường của virus, các nhà khoa học không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải đối mặt với một biến thể khác của virus SARC-CoV-2 như Omicron hoặc Delta, chưa kể đến những loại virus khác trong tương lai hoặc một mầm bệnh khác. Do đó, cần tìm ra cách sử dụng các công nghệ giám sát mới để dự đoán và hạn chế những tác động không mong muốn từ các mầm bệnh trong tương lai.

May mắn thay, nhân loại vẫn có thể “chiến thắng” trước đại dịch Covid-19 và đối phó với những đại dịch tiếp theo. Theo các chuyên gia dịch tễ, các đợt bùng phát tiếp theo có thể được ngăn chặn tốt hơn ngay từ khi bắt đầu để cuộc sống của con người không bị đảo lộn như những gì Covid-19 đã gây ra trên toàn toàn cầu, để người dân trên thế giới có thể sống cuộc sống bình thường hơn. Muốn có được điều đó, cần phải áp dụng công nghệ để “đón đầu”, đi trước một bước trước loại virus luôn biến đổi, ngăn chặn không để chúng biến thành “đại dịch”.

Sau đợt bùng phát Covid-19 vào năm 2019, tiếp đó là biến thể Delta chết người, thế giới triển khai vaccine đối phó với đại dịch và hiện giờ là sự bùng phát của Omicron và các biến thể phụ của Omicron, phân tích của giới chuyên gia đã chỉ ra, rõ ràng là thế giới vẫn chưa có sự chuẩn bị, luôn bị virus đi trước một bước và do đó, trong tương lại, cuộc sống của con người vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những mối đe dọa đó không chỉ là đại dịch Covid-19, mà có thể là một chủng cúm mới độc hại, nguy hiểm hơn, hay sự kháng thuốc khiến các loại thuốc điều trị tiêu chuẩn không có tác dụng, hoặc thậm chí, là một cuộc tấn công khủng bố sinh học do con người tạo ra…

Công nghệ giám sát dự đoán và hạn chế tác động của dịch bệnh

Trong tương lai, thế giới cần tìm ra cách sử dụng các công nghệ giám sát mới để dự đoán và hạn chế ảnh hưởng từ các mầm bệnh. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã chứng minh tiềm năng to lớn của việc giải trình tự gene để phát hiện các mối đe dọa theo cách này. Kể từ tháng 1-2020, hơn 6,9 triệu bản đệ trình trình tự virus SARC-CoV-2 đã được chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến. Sự hợp tác toàn cầu này đã thúc đẩy sự phát triển của vaccine mRNA trong thời gian kỷ lục, cũng như cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về cách thức loại virus này đột biến, cho phép các chính phủ điều chỉnh các biện pháp an toàn tùy thuộc vào đặc điểm riêng biệt của từng biến thể.

Nhưng những gì thế giới thực sự cần là một mạng lưới giải trình tự gene tự động hoàn chỉnh - Mạng lưới giám sát tác nhân gây bệnh toàn cầu - tập trung vào việc phát hiện các đợt bùng phát mầm bệnh nguy hiểm đã biết, chẳng hạn như bệnh than hoặc Ebola, hoặc một mầm bệnh mới, như các biến thể của virus Covid-19 tiếp theo. Theo các chuyên gia, để Mạng lưới giám sát tác nhân gây bệnh toàn cầu này thành hiện thực, cần phải thường xuyên liên tục lấy mẫu từ các quần thể trên khắp thế giới.

Việc giải trình tự bộ gene cũng phải được thực hiện một cách công bằng, ở mọi quốc gia, kể cả những quốc gia kém phát triển hơn. Ngoài ra, còn phải bao gồm cư dân của các chủng tộc khác nhau trên thế giới, nếu không, việc phát triển các loại thuốc hay vaccine vốn chỉ dựa trên đối tượng được nghiên cứu có khả năng hiệu quả nhất sẽ không công bằng, chỉ đáp ứng một bộ phận cư dân nhất định. Nếu không có trình tự bộ gene chung, mối đe dọa của dịch bệnh bùng phát thành đại dịch sẽ tăng lên đáng kể bởi vì không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều được an toàn.

Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, nhiều tiểu bang và địa phương thực hiện các loại trình tự khác nhau với các mức độ toàn diện khác nhau. Từ năm 2021, một đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi sự đa dạng ngày càng tăng của các đột biến Covid-19 và theo dõi các mối đe dọa trong tương lai dưới dạng đại dịch, khủng bố sinh học hoặc kháng thuốc kháng sinh đã được đề xuất thành lập. Thực thể toàn cầu này tham gia vào giám sát sinh học tự động và sau đó lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu nhận được. Cùng với đó là giám sát gia tăng của dịch bệnh trong một khu vực cụ thể. Chẳng hạn, dữ liệu chăm sóc sức khỏe về nhiệt độ cơ thể ở một khu vực xác định có thể được các cơ quan y tế công cộng địa phương tổng hợp trong khi giải trình tự gene có thể phát hiện và xác định các mầm bệnh trong cộng đồng. Nguồn dữ liệu này cũng có thể được khai khác để phát hiện mối đe dọa sinh học toàn cầu.

Covid-19 đã bộc lộ một lỗ hổng quốc tế lớn và chưa được khắc phục trước các đại dịch, nhưng nó cũng là động lực mang đến những công nghệ tiên tiến như giải trình tự gene và vaccine mRNA có thể giúp chống lại những mối đe dọa đó. Chúng ta không thể ngăn chặn đợt bùng phát tiếp theo, nhưng chúng ta có thể có những giải pháp để thế giới không phải đối phó với đại dịch một cách bị động như Covid-19.

Lượt xem: 227
Tác giả: Mai Phương Thảo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...