• :
  • :

Rác thải y tế tăng đột biến trong dịch bệnh và những hệ luỵ khó lường

Dịch bệnh bùng phát kéo dài, hệ lụy là một lượng lớn rác thải y tế trong cộng đồng đang nhanh chóng tăng lên, đòi hỏi phải có sách lược kiểm soát từ các cơ quan chức năng.

Đa dạng rác y tế…

Sau 2 năm đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng các loại vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch đã gia tăng rất lớn. Nếu trước đây, một số vật phẩm y tế như khẩu trang 3 lớp, bao bì sinh thiết, test kit nhựa… chỉ có tại các cơ sở thăm khám chữa bệnh, thì nay, mọi nơi mọi lúc đều thấy sự hiện diện rác thải các loại này.

Đơn cử mỗi gia đình, một ngày sử dụng 1 khẩu trang y tế/người, cộng hưởng cho một khu dân cư, đã là con số cấp trăm đơn vị. Gần đây, khi điều kiện phòng dịch tăng lên, các loại sinh thiết xét nghiệm có thể được người dân mua về nhà tự thực hiện, số lượng rác thải liên quan càng tăng hơn nữa.

Trong khi nhận thức và quan niệm của đa số người dân còn hời hợt về rác thải y tế, rõ ràng những vật tư y tế bỏ đi đều rơi vào thùng rác gia đình, hay vứt bừa bãi tại các khu vực công cộng không ai quản lý.

Rác khẩu trang không chỉ xuất hiện trên đường phố, công viên… mà còn hiện hữu ở mọi ngóc ngách sinh hoạt đời sống. Test kit, ống tiêm, bao bì nhựa, nilon… đều rất tùy tiện bị vứt bỏ. Kể cả những loại test kit có kết quả dương tính với virus, cũng được người dân vô tư ném vào thùng rác hay… quẳng ra đường…

Không chỉ vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu “thời trang” của không ít người dù chấp hành tuân thủ y tế dịch tễ, không ít cơ sở sản xuất đang tung ra hàng trăm mẫu mã các loại khẩu trang nhựa trong suốt, khẩu trang y tế có nắp nhựa, tấm chắn giọt bắn, kính phòng vệ… có tính mỹ thuật.

Lượng người sử dụng các loại vật tư, vật phẩm y tế này không hề ít, nhất là với giới trẻ đô thị. Nên một khi các sản phẩm này bị vứt ra môi trường, trong đó phần lớn lại là nhựa cao phân tử không thể phân hủy, chính là một nguy cơ ô nhiễm môi trường cực kỳ lớn.

Ngoài ra, trước mùa dịch, ai cũng thấy có một phong trào chống rác thải nhựa quy mô được tổ chức. Nhưng đại dịch diễn ra, đồng nghĩa với các loại vật dụng bằng nhựa trong đời sống lại được dùng tăng lên, theo nghĩa “cách ly an toàn”… Cho đến nay, sản phẩm bao bì nhựa, chai lọ nhựa… lại tràn ngập khắp nơi.

Đừng để quá chậm trễ

Điều đáng lo ngại, là trước những nguy cơ và thực tiễn gia tăng rác thải y tế ở cộng đồng xã hội, hoạt động của các cơ quan quản lý chức năng chưa thấy có chuyển biến xử lý ngăn ngừa.

Trao đổi về rác thải y tế trong dân, một số công ty môi trường đô thị tại thành phố lớn vẫn khẳng định chưa thể liệt rác thải liên quan vật tư, sinh thiết y tế là rác thải y tế.

Đặc biệt, cho dù nhiều người dân có ý thức quan ngại về rác thải liên quan dịch bệnh, họ vẫn chưa thể phân loại rác thải an toàn hơn do các địa phương chưa có quy trình minh bạch về phân loại rác thải tại nguồn hay tổ chức quy trình phân loại rác thải trước thu gom.

Tất cả đang tiếp tục tạo nên bối cảnh nguy cơ cho toàn xã hội và môi trường chung, khi các dạng rác thải y tế tự phát tiếp tục phát sinh khối lượng. Tổ chức ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh càng tăng cường, hệ quả phát sinh trong vấn đề thâu gom, xử lý, giám sát các sản phẩm y tế phía sau càng lớn hơn.

Thật sự đã đến lúc, ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung cần nghiêm túc xét lại tình hình để có những giải pháp, sách lược căn cơ xử lý. Có như vậy, những nguy cơ và hệ lụy từ rác thải y tế ra môi trường, mới hy vọng được kiểm soát và ngăn chặn.

Lượt xem: 228
Tác giả: Nguyên Đức