• :
  • :

Tiêm vắc xin có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5?

Ngày 1/7, Bộ Y tế đã nêu tên một số tỉnh, thành phố tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 và mũi 4 có tỷ lệ thấp. Biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xâm nhập vào Việt Nam, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể này có thể gia tăng.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19

Bộ Y tế cho biết đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên đến hết ngày 30/6 đã tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): đạt 45.094.725 mũi tiêm (với tỷ lệ 67,2%)

5 tỉnh tiêm thấp với tỷ lệ dưới 45% gồm: Khánh Hòa (41,9%); Bình Thuận (35,4%); Sóc Trăng (40,0%); Cà Mau (38,1%); Hậu Giang (35,1%).

Bộ Y tế cũng cho biết có 3 tỉnh tiêm cao với tỷ lệ trên 90% gồm: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).

Tiêm vắc xin có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5?

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi

Về kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4) hiện cả nước mới tiêm được 4.281.382 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 6,4%). Bộ Y tế cũng nêu tên 5 tỉnh tiêm thấp dưới 2% gồm: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (1,4%);

3 tỉnh tiêm cao gồm: Bắc Giang (24,2%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, tổng số mũi vắc xin COVID-19 tiêm nhắc là 810.443 mũi tiêm.

Các địa phương tiêm nhắc <2% gồm: Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang; Cao Bằng; Điện Biên;

Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận; Miền Nam (9 tỉnh): Tp. HCM; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.

Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, kết quả tiêm mũi 1: 5.942.269 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 51,7%)

5 tỉnh, thành tiêm thấp gồm: Hà Nội (26,0%); Vĩnh Phúc (32,5%); Đà Nẵng (26,6%); Quảng Nam (25,9%); Khánh Hòa (25,7%).

3 tỉnh tiêm cao: Sóc Trăng (86,7%); Cà Mau (79,4%); Hậu Giang (96,0%).

Đối với tiêm mũi 2: 2.181.582 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 19,0%); 4 tỉnh tiêm thấp (<7%): Ninh Bình; Quảng Nam; Bình Thuận; Đắc Lắc;

Bộ Y tế cho biết những ngày gần đây tiến độ tiêm đã nhanh hơn giai đoạn đầu tháng 6, mỗi ngày tiêm trên 1 triệu mũi, tỉ lệ tiêm mũi 3 tăng lên mức trên 67% (vài ngày trước chỉ đạt trên 64%).

Vì sao cần tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4

Sáng 1/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19?", GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết:"Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Ở Việt Nam, nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương nên đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm".

GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại buổi Toạ đàm

"Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập"- GS.TS Phan Trọng Lân nói

Yếu tố thứ hai là cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

GSTS Phan Trọng Lân cũng chia sẻ: "Thực tế có người dân băn khoăn khi họ mắc BA.2 thì rất nhẹ nhưng khi tiêm vắc xin lại lo lắng vì bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch khó dự đoán thì chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vắc xin. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn".

Tại toạ đàm, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng biến thể BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát. Trong tuần qua, biến thể BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại.

Tại Singapore, theo thông báo của WHO, có đến 45% các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng liên quan đến biến thể BA.4, BA.5.

Tại buổi toạ đàm, TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đã tiêm chủng được với tỉ lệ rất cao. Vắc xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường".

Bộ Y tế nhấn mạnh, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus;

Đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; Nâng cao năng lực điều trị tại tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở...

Lượt xem: 1.272
Tác giả: Phương Thu