• :
  • :

Tránh lạm dụng khám hậu Covid-19

Để công tác khám, chữa bệnh hậu Covid-19 cho người dân được hiệu quả, vừa qua Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết với khám hậu Covid-19, vừa để người dân không hoang mang lo lắng, vừa tránh phát sinh tiêu cực tại cơ sở y tế.

Lo lắng thái quá càng ảnh hưởng sức khỏe

Thời gian qua, nhiều người dân sau khi mắc Covid-19 đã gặp một số vấn đề về sức khỏe như ho khan kéo dài, mệt mỏi, mất ngủ, rụng tóc, triệu chứng tim mạch... và đã đi khám hậu Covid-19. Trước thực trạng đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh để lựa chọn đúng nơi khám bệnh khi có nhu cầu thực sự.

Tránh lạm dụng khám hậu Covid-19
Tư vấn khám hậu Covid-19 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Theo các chuyên gia y tế, sau khi bị cúm hoặc nhiễm một loại vi rút nào đó, người bệnh có thể mệt mỏi kéo dài một vài tuần. Đây là tình trạng rất bình thường. Nếu các triệu chứng của bệnh không gây rối loạn, không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay sinh hoạt hàng ngày, khả năng lao động thì người dân không cần phải đi khám hậu Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho hay: Triệu chứng hậu Covid-19 rất nhiều và nhiều người rất hoang mang. Hiện nay lại có quá nhiều thông tin về hậu Covid-19, nên một số người dân không biết phải tìm đọc và nghe theo nguồn tin nào. Đơn cử, một trong những triệu chứng của người bệnh sau khi mắc Covid-19 là mất ngủ kéo dài, khiến các bệnh nhân F0 sau khỏi bệnh rất lo lắng và tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Theo thống kê của các nước và Việt Nam, tỷ lệ mất ngủ sau khi bị Covid-19 chiếm khoảng 40% người nhiễm. Trong khi, có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: Do tâm lý, vi rút gây bệnh và quá trình điều trị dùng thuốc có tác dụng phụ. “Thông thường, khi vi rút SARS- CoV-2 xâm nhập vào người, không chỉ gây tổn thương phổi mà còn xâm nhập vào hệ thần kinh, làm các tế bào não bị tổn thương, gây tổn thương hệ thần kinh, thậm chí khi xét nghiệm âm tính rồi, nhưng vẫn còn vi rút trong hệ thần kinh. Vi rút đó còn gây rối loạn hệ miễn dịch và tấn công vào thành mạch máu, gây rối loạn đông máu khiến các tế bào não bị viêm, tổn thương hệ thần kinh, gây khó ngủ” bác sĩ Hoàng phân tích.

Bên cạnh đó, khi điều trị Covid-19, người bệnh đã dùng một số thuốc kháng vi rút và ức chế miễn dịch... có tác dụng phụ dẫn đến mất ngủ. Hoặc về mặt tâm lý, nhiều người rất căng thẳng, lo lắng khi bị bệnh.. cũng gây mất ngủ…“Đối với những trường hợp mất ngủ liên quan đến tâm lý, người bệnh cần phải kiểm soát tâm lý trước. Đơn giản như không nên đọc các tin tức không chính thống trên mạng; nên vận động nhẹ nhàng như yoga, đạp xe, đi bộ... mỗi ngày 3-4 lần, để giúp việc lưu thông máu tốt hơn, giúp ăn ngon, ngủ ngon hơn. Đồng thời, không dùng các chất kích thích như trà, cà phê; sắp xếp không gian phòng ngủ thoáng, không nhiều ánh sáng quá... Ngoài ra, cần chọn thức ăn dễ tiêu, tránh đồ chiên rán để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, sau khi mắc Covid-19, nhiều người rất hoang mang với những triệu chứng còn lại của bệnh, có thể kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên lo lắng quá, nhiều khi chính sự lo lắng thái quá làm cho sức khỏe kém hơn. Để sức khỏe được đảm bảo, những đối tượng nên đi tầm soát sau Covid-19 là: Những người trên 65 tuổi có nguy cơ cao; những người chưa tiêm đủ vắc xin; người có bệnh nền (tăng huyết áp, tiểu đường, suy gan, suy thận, ung thư, bệnh về máu, bệnh sử dụng thuốc miễn dịch lâu dài); người bị Covid-19 có diễn biến nặng; người sau khi khỏi Covid-19 nhưng các triệu chứng vẫn nặng lên, kéo dài ảnh hưởng đến công việc.

“Khi đi tầm soát hậu Covid-19, các bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm một hoặc vài nhóm chuyên khoa như sau: Chụp X quang tim phổi; đo chức năng hô hấp; đánh giá chức năng tim mạch, chức năng thận, chức năng gan; khám nội thần kinh. Ngoài ra, có thể khám một số chỉ số chuyên sâu như xét nghiệm đông máu, xét nghiệm viêm mãn tính…”- bác sĩ Hoàng cho biết.

Tránh lạm dụng, khám tràn lan

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Kiến Dụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh cho hay: Hiện nay, khái niệm hậu Covid-19 đang bị lạm dụng rất nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội. “Với kinh nghiệm chuyên môn và làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, khái niệm hậu Covid-19 chúng tôi không quan tâm nhiều. Vì xét về tỷ lệ người bệnh sau khi mắc Covid-19 bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng bởi hậu Covid-19 không phải vấn đề quá lớn trong cộng đồng” ông Dụ cho hay.

Bởi vậy, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Mê Linh cho rằng, người dân nên đi khám hậu Covid-19 là khi cảm thấy bất thường về sức khỏe, cảm thấy vượt ngưỡng chịu đựng của bản thân. Đối với các trường hợp đó, bác sĩ sẽ thăm khám và xem xét nên khám những gì, chuyên khoa nào cho phù hợp. “Khám Covid-19 hay khám bất cứ bệnh gì đều có nguyên lý và quy trình khám bệnh riêng, nhiệm vụ của bác sĩ là tìm ra bất thường để giải quyết nhằm điều trị và nâng cao sức khoẻ cho người dân”, ông Dụ cho biết thêm.

Để giúp người dân bớt lo lắng, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo: Hậu Covid-19 không hề đáng sợ. Chúng ta sẽ không còn hoang mang nếu hiểu rõ, hiểu đúng về nó. Theo ghi nhận, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm hay tử vong. Rất nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như mất ngủ, mệt mỏi, lo âu kéo dài... chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tích cực tập luyện, chế độ dinh dưỡng khoa học. Để không rơi vào tình trạng stress, mỗi người cần biết cách tự điều chỉnh bản thân và giúp đỡ, động viên người thân, đồng nghiệp,... Nếu tiếp tục tự cường điệu các dấu hiệu tiêu cực của sức khỏe sau Covid-19, rất dễ dẫn đến sang chấn tâm lý.

Cũng liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng hướng dẫn chuyên môn do Bộ đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2...

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi và thực hiện khám chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức. Bộ khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành, các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cùng với những biện pháp quyết liệt trong chấn chỉnh hành vi trục lợi, lạm dụng khám hậu Covid-19 của ngành Y tế và các cơ quan chức năng, điều quan trọng là người dân cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo chọn lọc khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. Trong trường hợp xuất hiện di chứng hậu Covid-19, cần lựa chọn khám bệnh tại cơ sở y tế uy tín, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có giấy phép của Bộ Y tế hay các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh. Cùng với đó, người dân nên tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ giúp hạn chế ca bệnh trở nặng cũng như nguy cơ bị ảnh hưởng hậu Covid-19. /.

Minh Khuê
Lượt xem: 141
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...