• :
  • :

Từ gánh nặng bệnh không lây nhiễm đến nhu cầu ràng buộc chính sách

Tỉ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam tăng nhanh, trẻ hoá ở nhóm 30-40 tuổi, đe dọa chất lượng dân số, hệ thống y tế và tăng trưởng kinh tế.

Từ gánh nặng bệnh không lây nhiễm đến nhu cầu ràng buộc chính sách

Tỉ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam tăng nhanh cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đồ họa: Hương Giang

Bệnh không lây nhiễm đe doạ cộng đồng

Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả nguyên nhân tử vong khác cộng lại. Việt Nam hiện đối mặt với mô hình bệnh tật kép: bên cạnh bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây như tim mạch, ung thư, tiểu đường, rối loạn tâm thần... đang chiếm tới 84% tổng số ca tử vong. Đáng lo ngại, cứ 10 người tử vong vì nhóm bệnh này thì có đến 4 người dưới 70 tuổi. Tỉ lệ người 36-69 tuổi mắc tiểu đường cũng tăng nhanh trong 10 năm qua. Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung.

Những bệnh không lây nhiễm được coi như là "kẻ giết người thầm lặng" vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỉ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỉ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Ảnh AI

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Ảnh AI

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo tình trạng thừa cân, béo phì ở mức đáng báo động. Năm 2015, tỉ lệ này là 15,6%, nhưng đến năm 2021 đã tăng lên 19,6%. Đáng lo ngại hơn, ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi, tỉ lệ thừa cân, béo phì đã tăng hơn gấp đôi, từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, tim mạch, đột quỵ và ung thư. Thói quen này góp phần đáng kể vào tình trạng tăng cân và béo phì ở cả trẻ em lẫn người lớn – những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt gây hại cho sức khỏe trẻ nhỏ.

Cần có chính sách mạnh

Cũng theo Tiến sĩ Angela Pratt, trong vòng 15 năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng vọt. Năm 2023, lượng tiêu thụ bình quân đầu người đã gấp 4 lần so với năm 2009, tương đương gần 70 lít mỗi năm – tức khoảng 1,3 lít mỗi tuần.

Trước thực trạng đó, WHO khuyến nghị áp thuế đối với đồ uống có đường nhằm nâng giá thành, qua đó hạn chế tiêu dùng. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả với trẻ em và thanh thiếu niên – nhóm đối tượng nhạy cảm hơn với thay đổi về giá.

Hiện đã có khoảng 110 quốc gia thực thi chính sách thuế với đồ uống có đường, trong đó có 6 nước khu vực Đông Nam Á. Theo WHO, Việt Nam đang đi chậm so với nhiều quốc gia trong việc áp dụng thuế để ngăn chặn tác hại của đồ uống có đường.

Việc đánh thuế đồ uống có đường, song hành với truyền thông về chế độ ăn lành mạnh và các biện pháp giảm yếu tố nguy cơ như hút thuốc hay lạm dụng rượu bia, là hướng đi phù hợp để giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam - cảnh báo rằng các loại nước giải khát có đường, dù sử dụng đường tự nhiên hay chất tạo ngọt nhân tạo, đều kích thích cảm giác thèm ăn, làm tăng nhu cầu tiêu thụ carbohydrate và đồ ngọt, từ đó gây rối loạn cảm giác no và hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh.

Trước thực trạng này, bác sĩ Lâm khuyến nghị Việt Nam cần sớm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, đặc biệt là ở giới trẻ. Ông nhấn mạnh đây là xu hướng đã được nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực ASEAN triển khai hiệu quả. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Bà Đinh Thu Thủy - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường tuýp 2, tim mạch, tăng huyết áp, gút… Ngoài ra, còn gây hại cho răng miệng và ảnh hưởng xấu đến hệ xương khớp.

“Đồ uống có đường không chỉ gây tổn hại sức khỏe, mà còn để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, từ chi phí y tế đến suy giảm năng suất lao động” - bà Thủy nhấn mạnh.

Bà cho biết, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này là một trong những giải pháp can thiệp hiệu quả được WHO khuyến nghị. Biện pháp này vừa góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, vừa tăng thu ngân sách và giảm áp lực chi phí y tế trong tương lai.

“Lo ngại về tác động tiêu cực của việc áp thuế là không đáng kể so với lợi ích lâu dài. Về dài hạn, cần xây dựng lộ trình mở rộng đối tượng và tăng thuế suất theo hướng dẫn của WHO” - bà Thủy nhận định.

Bà cũng cho biết, Bộ Y tế đã thống nhất với phương án do Bộ Tài chính đề xuất tại Tờ trình số 147/TTr-BTC ngày 15.4.2025. Theo đó, thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường dự kiến áp dụng từ năm 2027 với mức 8%, và tăng lên 10% từ năm 2028.

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...