• :
  • :

Viêm tai mũi họng thời điểm giao mùa

Miền Bắc đang bước vào thời điểm giao mùa. Nhiệt độ tăng vào ban ngày. Nhiều gia đình đã sử dụng điều hòa ngay khi nắng nóng xuất hiện. Việc chuyển mùa đột ngột cùng với việc lạm dụng điều hòa đã khiến không ít trẻ hậu quả. Trong đó, các bệnh về tai mũi họng dễ xuất hiện.

Viêm tai mũi họng thời điểm giao mùa

Các bệnh về tai mũi họng dễ mắc vào thời điểm giao mùa. Đồ hoạ: Hải Phạm

Đưa con tới phòng khám chuyên Tai Mũi Họng, chị Mai Anh ở quận Ba Đình (Hà Nội) lo lắng khi con bị sốt, ho và sổ mũi khiến bé khó chịu suốt mấy ngày gần đây. Chị đã tự mua thuốc cho con dùng nhưng không hiệu quả.

Sau khi được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn cách chăm sóc, cháu bé đã nhanh chóng khỏi bệnh. Chị Mai Anh không ngờ việc dùng điều hòa không đúng cách lại ảnh hưởng với con như vậy

Chia sẻ về trường hợp của cháu bé, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương hiện đang là Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết: Việc mẹ tự ý điều trị thuốc là không nên.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện An Việt thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Hải Phạm

Vào những ngày nóng bức và nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, trẻ rất dễ bị các bệnh về đường hô hấp trên. Nhiều trẻ bị viêm họng, viêm amidan... kéo dài dẫn tới mãn tính và nhiều biến chứng.

PGS Hoài An cho biết thêm, sắp tới khi thời tiết vào mùa hè, trời nóng nực nhiều bố mẹ lạm dụng điều hòa bất kể ngày lẫn đêm. Nhiều người còn để nhiệt độ rất thấp, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt.

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An mùa hè số bệnh nhân đặc biệt là trẻ nhỏ đến khám vì các bệnh lý tai mũi họng tăng lên đặc biệt đó là tình trạng đau, viêm họng do nằm điều hòa không đúng.

PGS Hoài An nhấn mạnh khi dùng điều hòa cần biết cách kiểm soát nhiệt độ phòng, có thể để nhiệt độ phòng từ 26 đến 28 độ C. Nhà có trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ cần duy trì nhiệt độ 28 độ C. Ngưỡng nhiệt độ này được coi là phù hợp với hệ thống biểu mô của niêm mạc đường hô hấp.

Ngoài việc sử dụng điều hòa sao cho đúng, bác sĩ An cũng cho biết nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Có thể súc họng nước muối trước khi đi ngủ, sáng để làm sạch họng, làm dịu cổ họng. Khi đi ngủ có thể dùng khăn mỏng che kín mặt để giảm gió từ điều hòa phả thẳng vào người. Không nên để điều hòa hết đêm mà nên hẹn giờ điều hòa.

Để giảm tình trạng khô họng, có thể sử dụng thêm một chậu nước trong phòng để giảm tình trạng không khí trong phòng khô hanh.

Không để nhiệt độ điều hòa chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, tổn thương hệ hô hấp.

Cũng cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn đặc biệt là đủ nước, rau xanh, hoa quả... cũng như hạn chế các sản phẩm như kem, nước lạnh, các sản phẩm dễ gây tổn thương cho trẻ.

PGS. Hoài An cho biết khi bị đau họng thông thường bệnh sẽ khỏi sau vài ngày. Nếu quá 1 tuần không khỏi người bệnh nên đến khám tại các chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm, tránh đau họng chuyển sang mãn tính.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết