• :
  • :

Áp lực công việc, thu nhập khiến giáo viên ồ ạt nghỉ việc?

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên. Trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm 27.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế.

Thiếu giáo viên là thách thức lớn với ngành Giáo dục

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên thì cũng có hàng ngàn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có 16.000 giáo viên nghỉ việc. Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, tính từ năm 2020 đến tháng 6/2022, trong hơn 39.500 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, có hơn 16.400 người thuộc ngành Giáo dục. Đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Cán bộ, nhà giáo nghỉ việc có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có yếu tố liên quan đến áp lực, thu nhập…

Áp lực công việc, thu nhập khiến giáo viên ồ ạt nghỉ việc?

Ảnh minh họa

Phân tích số liệu cũng cho thấy, số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội Đà Nẵng, Bình Dương… Những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn như Sơn La, Gia Lai… cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều hơn một chút so với các địa phương khác.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra giữa tháng 8 vừa qua, tính đến năm học vừa qua có 1,6 triệu giáo viên các cấp.

Các địa phương có số giáo viên nghỉ việc nhiều trong năm học 2021-2022 gồm: TP Hồ Chí Minh 3.036 giáo viên; Hà Nội: 2.305 giáo viên; Bình Dương: 865 giáo viên; Thái Nguyên: 709 giáo viên; Đồng Nai: 634 giáo viên; Hải Phòng: 368 giáo viên; Đà Nẵng: 340 giáo viên; Vĩnh Phúc: 307 giáo viên; Gia Lai: 305 giáo viên; Khánh Hòa: 304 giáo viên.

Mầm non và tiểu học là hai cấp học có số giáo viên nghỉ việc nhiều nhất. Trong đó, mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ việc (công lập: 2.503 giáo viên, ngoài công lập: 3.888 giáo viên); Tiếp theo là cấp tiểu học với 4.493 giáo viên nghỉ việc (công lập: 3.851 giáo viên, ngoài công lập: 642 giáo viên). Tỷ lệ giáo viên công lập nghỉ việc chiếm xấp xỉ 1% tổng số giáo viên biên chế.

Giải quyết vấn đề bằng cách nào?

Nhiều năm về trước, giáo viên là nghề mà mọi người phải “chật vật” mới có thể “xin” vào được. Không chỉ bởi ý nghĩa và giá trị cao quý của nghề làm thầy, nghề dạy học mà còn bởi mức thu nhập tương đối ổn định của ngành khi so sánh với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, điều đó giờ không còn nữa.

Theo chia sẻ của một giáo viên mầm non trên địa bàn Hà Nội, nguyên nhân khiến cô không còn mặn mà với nghề là bởi chính sách tiền lương không còn xứng đáng với công sức lao động. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp; Trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao.

“Đặc biệt với những người chưa có nhà ở Hà Nội như chúng tôi, việc bám trụ với nghề quả thật quá khó khăn. Tổng thu nhập được hơn 5 triệu đồng/tháng trong khi chi phí dành cho thuê nhà đã hết quá nửa chỗ ấy. Nhiều giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, ở các khu đô thị, khu công nghiệp, việc tìm kiếm việc làm mới khá dễ dàng do nhu cầu lao động lớn của các doanh nghiệp”, giáo viên này chia sẻ.

Những phân tích của giáo viên này hoàn toàn có thể chia sẻ được khi so sánh mức lương và phụ cấp giảng dạy của một giáo viên tiểu học đi dạy được 4 năm (bậc 1) khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng. Cứ 3 năm không bị kỷ luật sẽ được tăng 1 bậc lương, tương ứng hệ số 0,33 thì được thêm khoảng 500.000 đồng mỗi lần tăng lương. Trong khi đó, giá cả thực tế đã cách quá xa mức lương tăng thêm đến cả chục lần.

Với thu nhập 4-5 triệu đồng, không đủ tiền thuê nhà với những thầy cô không có nhà ở Hà Nội thì lấy đâu tiền sinh hoạt và trang trải cuộc sống? Một cô giáo trẻ dạy tiểu học tâm sự, để bám trụ được với nghề, cô phải bán thêm hàng online hoặc đăng ký dạy thêm ở các trung tâm giáo dục vào các ngày nghỉ. Cô cũng chưa biết tính sao nếu sau này có gia đình và có con, bởi “hiện tại mình em còn chưa lo nổi cho bản thân”.

Đứng trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan chức năng của Bộ rất quan tâm đối với việc ổn định đội ngũ nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo - Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về định mức làm việc, số lượng giáo viên trên lớp theo các vùng miền để đảm bảo tính hợp lý, đáp ứng điều kiện làm việc cho đội ngũ giáo viên.

Những điều chỉnh như vậy cũng sẽ giúp cho giáo viên có điều kiện làm việc tốt hơn khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bộ cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho giáo viên theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tức là thang bảng lương của đội ngũ giáo viên được xếp hạng cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp nghề nghiệp khác theo quy định.

“Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương trong điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mình có thể có các chính sách hỗ trợ khác như: Hỗ trợ kinh phí cho giáo viên ở địa phương khác đến công tác, hỗ trợ chính sách nhà công vụ… để đảm bảo đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với giáo dục địa phương.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, giảm bớt giấy tờ không cần thiết để giáo viên dành nhiều thời gian cho chuyên môn, giảm bớt áp lực”, ông Vũ Minh Đức chia sẻ.

Lượt xem: 114
Tác giả: Ngọc Minh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...