Bài 2: Đã hết thời “gọi người thân” khi vi phạm về nồng độ cồn
Thời gian gần đây, số lượng người sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm nhờ mạnh tay xử lý “ma men”, bền bỉ tuyên truyền.
Xử lý không có vùng cấm
Nếu như trước Nghị định 100, nhiều người vẫn quen với việc cứ gặp chốt, bị kiểm tra, xử lý là “bốc máy gọi điện cho người thân”. Từ khi Nghị định 100 với nhiều chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn được lực lượng chức năng kiểm tra trên các tuyến đường, đi đôi với việc tuyên truyền, xử phạt, việc “gọi cứu nét” đã giảm đáng kể, thậm chí, trong một ca trực, 100% người vi phạm đều chấp hành việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, không có tình trạng can thiệp.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, lực lượng CSGT, lực lượng liên ngành đã tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, CSGT Hà Nội, 141 Hà Nội, CSGT - Trật tự Công an quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã xác định xử lý vi phạm nồng độ cồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2023.
Nồng độ cồn của người dân được lực lượng chức năng đo bằng máy chuyên dụng |
Theo đó, trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, lực lượng chức năng được giao tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là những khu vực, tuyến đường, địa bàn trọng điểm, nhất là các khu vực giáp ranh.
Là một trong những địa bàn trọng điểm, trung tâm đầu não của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong trong các chủ trương, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua cũng vậy. “Không vùng cấm”, “Không ngoại lệ”, các cán bộ làm nhiệm vụ đã làm đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật trong quá trình tuần tra, kiểm soát.
PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều cuộc khảo sát trong các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn của Tổ công tác liên ngành 141 Hà Nội, Công an quận, Công an phường phối hợp. Với nhiều thành phần tham gia giao thông và vi phạm nồng độ cồn ở mức độ khác nhau, không thể tránh khỏi tình trạng mối quan hệ thân quen chằng chịt.
Tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy thực hiện chuyên đề nồng độ cồn trên địa bàn vào ban đêm |
Trong một ca trực đêm kiểm soát nồng độ cồn trên tuyến Khúc Thừa Dụ - Thành Thái (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Trung tá Bùi Thế Hùng, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an quận vừa tập trung ghi chép, quan sát, vừa tranh thủ trao đổi với chúng tôi về thực trạng vi phạm nồng độ cồn hiện nay. Chốc lát lại có người ra “trình bày” mối quan hệ của bản thân để xin bỏ qua khiến câu chuyện của chúng tôi phải “tạm dừng” nhiều lần.
Tuy nhiên, câu trả lời “Không được đâu anh. Anh thông cảm. Anh em đi làm đêm đã vất vả rồi, mong anh hợp tác” dường như lặp đi, lặp lại của Trung tá Hùng cũng làm chúng tôi thêm khẳng định về một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm ngăn “ma men” của lực lượng chức năng đã được rèn nếp từ chính những người thực thi công quyền.
Theo Trung tá Hùng kể; "Nhiều lúc “bắt” trường hợp là cán bộ, anh em quen biết cũng thấy khó xử nhưng buộc phải làm theo đúng luật thôi. Nếu họ đặt trong vị trí của mình, họ cũng sẽ thông cảm cho mình. Anh em công an cũng rất cảm ơn các nhà báo đã đồng hành trong nhiều chuyên đề. Bởi khi có cơ quan báo chí song hành, rèn nếp nghiêm túc, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhanh, mạnh cho cán bộ, chiến sĩ cũng không phải vất vả vận động, bớt đi phần khó xử khi có những trường hợp có mối quan hệ rất phức tạp.
Thu thập thông tin người can thiệp xử lý vi phạm về cồn
Một trong những khó khăn cản trở rất lớn việc lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn là việc can thiệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Người vi phạm chống đối lực lượng chức năng tại chỗ hoặc gọi điện cho ai đó to to để cứu nét nhằm trì hoãn việc kiểm tra nồng độ cồn hoặc bỏ qua, ép cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ bỏ qua đã thực sự hết thời. Đó là ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trong nhiều lần được phối hợp với các chốt kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng 141 Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận trên địa bàn Hà Nội.
Ví như trường hợp của anh Q (Hoàng Mai, Hà Nội), bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở gần chốt kiểm tra chuyên đề trên địa bàn phường Điện Biên, sau khi tìm hiểu lý do anh Q muốn quay đầu xe là bởi buổi trưa mấy anh em “nể nhau” uống mấy cốc bia nên khi thấy chốt kiểm tra nồng độ cồn ở nút giao Điện Biên Phủ - Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) đã quay đầu xe. Tuy nhiên, do nắm bắt được tâm lý của người có dấu hiệu vi phạm, một số cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự và cán bộ Công an phường Điện Biên đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ, ngăn chặn kịp thời hành vi có ý định “bỏ trốn” này.
Anh Q bị tổ công tác Công an quận Ba Đình và Công an phường Điện Biên lập biên bản xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn |
Quay đầu xe không được, vội vàng giả làm khách mua hàng của cửa hàng không xong, anh Q đã được yêu cầu về chốt để đo nồng độ cồn với những dấu hiệu “mặt đỏ, hơi thở nồng nặc mùi bia rượu, chân tay có những hành động thừa khó kiểm soát…”.
“Sau khi biết mình không thoát được do buổi trưa đã uống quá chén, tôi đã lục tìm trong danh bạ hết những số điện thoại có thể để nhờ anh em cứu trợ. Người nghe máy thì chưa kịp nói xong thì anh em đã nói khó, không giúp được; người biết tôi trưa nay có cuộc nhậu thì… không nghe máy luôn.
Thực ra, tôi biết mình cũng chỉ gọi điện để trấn an mình thôi, được thì tốt, không được thì tôi chấp nhận phải nộp phạt. Với lại, gần đây các cán bộ, chiến sĩ CSGT đẩy mạnh việc xử phạt, tuyên truyền cũng rõ ràng, nếu chống đối hoặc có sự can thiệp việc xử lý sẽ thu thập hết thông tin và xử lý luôn cả người can thiệp”, anh Q trần tình sau khi đã nghĩ thấu đáo.
CSGT - Trật tự Công an quận Hoàn Kiếm tuần tra, kiểm soát địa bàn |
Công an quận Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị tiên phong triển khai chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về việc thu thập thông tin người can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng như tuyên truyền, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên, nhân viên các cơ quan đơn vị chấp hành nghiêm túc quy định về nồng độ cồn khi lái xe. Trao đổi thêm với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Xác định năm 2023 là năm tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Do đó, lực lượng chức năng Công an quận Hoàn Kiếm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ trong cơ thể có nồng độ cồn ngay từ những ngày đầu năm.
Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ được yêu cầu thu thập đầy đủ thông tin của người “can thiệp vi phạm giao thông” để có hình thức xử lý. Đây là “phần việc” phải làm cho nghiêm, cho kỳ được.
Theo đó, UBND 18 phường, các ban, ngành, đoàn thể quận phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an quận triển khai sâu rộng trong cán bộ, nhân viên.
Bệnh viện, trường học, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ký cam kết quán triệt người lao động, cán bộ nhân viên không sử dụng bia rượu.
“Thực tế từ 8/2/2023, khi triển khai ra quân thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, của Công an TP Hà Nội, chưa có trường hợp nào can thiệp, “ép” lực lượng CSGT phải bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn; Cũng chưa có tình trạng chống đối của người vi phạm tại các chốt kiểm tra” - Thượng tá Bùi Văn Đang cho biết.
Tổ công tác liên ngành Y1/141 Hà Nội lập biên bản trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn |
Đó cũng là kết quả sơ bộ của tổ công tác Y1/141 do Trung tá Đinh Ngọc Đạo làm tổ trưởng. Khảo sát trong 2 ngày (21 - 22/2/2023) cắm chốt cùng lực lượng Y1 ở nút giao Quán Thánh - Đặng Tất, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô chứng kiến mỗi ngày hơn 400 lượt tài xế điều khiển phương tiện ô tô, mô tô được kiểm tra nồng độ cồn song chỉ có 4 trường hợp lái xe mô tô nồng độ cồn trong hơi thở. Những trường hợp này mặc dù có mức vi phạm nồng độ cồn cao (vượt ngưỡng 0,4mg/lít khí thở), nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng chống đối, gọi “cứu trợ” mà chấp hành nghiêm quy định xử phạt.
Anh Phạm N.H (Mai Dịch, Cầu Giấy) là người có nồng độ cồn đo được là 0.537 mg/lít khí thở. Khi đi qua nút giao Quán Thánh - Đặng Tất, biết mình vi phạm, anh H chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để giải quyết thủ tục lập biên bản.
“Trước kia chẳng may bị mắc lỗi vi phạm về giao thông, tôi hay gọi cho ông anh nhờ xin. Đó chỉ là lỗi nhỏ thôi. Đó dường như là thói quen của không chỉ riêng tôi. Nếu các anh CSGT bỏ qua được thì tốt mà. Đây là lỗi về cồn, báo đài tuyên truyền nhiều rồi, các anh Y1 cũng nhắc luôn là không ai có thể can thiệp vào việc xử lý lỗi này của tôi được, nên tôi đã chủ động ký biên bản, nộp phạt rồi gọi xe ôm về. Gọi chắc ông anh cũng sẽ khuyên tôi là nộp phạt cho nhanh. Với lỗi kịch khung như này, đây sẽ là bài học lớn cho tôi”, anh H cho biết.
(Còn nữa)