Bẫy lừa tiền tinh vi đằng sau các cuộc gọi “chăm sóc sau sinh”
Sau khi sinh con, nhiều phụ nữ đang trong trạng thái sức khỏe yếu, tâm lý nhạy cảm, dễ lo lắng cho cả bản thân và em bé. Lợi dụng điều đó, không ít đối tượng đã mạo danh nhân viên y tế gọi điện, nhắn tin tiếp thị các gói chăm sóc sức khỏe, sản phẩm hỗ trợ mẹ và bé để lừa đảo.
Nội dung tin nhắn giao dịch lừa đảo chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đằng sau cuộc gọi
“Tôi nhận cuộc gọi sau khi sinh 1 tuần. Đầu dây bên kia là một phụ nữ xưng là nhân viên y tế của bệnh viện nơi tôi vừa sinh con. Chị ấy nói biết rõ tên tôi, ngày sinh em bé và cả thông tin phòng bệnh. Nghe có vẻ đáng tin lắm” chị Hoàng Thị Hương (trú tại Bắc Giang, tên nhân vật được thay đổi) kể lại với PV.
Sau khi hỏi thăm sức khỏe mẹ và bé, người gọi giới thiệu một gói chăm sóc sau sinh tận nhà, gồm massage giảm đau, chăm sóc vết mổ, hướng dẫn tắm cho bé sơ sinh và tặng kèm một bộ thực phẩm chức năng “giúp mẹ hồi phục nhanh, bé cứng cáp”. Gói dịch vụ được quảng cáo là “liên kết với bệnh viện” và “được tài trợ 70%” nên chỉ còn khoảng 3 triệu đồng. “Nghe họ nói đúng thông tin của mình, lại đang loay hoay chưa biết chăm sóc bé ra sao, tôi đồng ý chuyển khoản cọc trước 1 triệu. Nhưng sau đó gọi lại thì không liên lạc được nữa. Tôi mới ngờ ngợ là mình bị lừa” - chị Hương chia sẻ.
Chị Hương không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều hội nhóm mẹ bỉm trên mạng xã hội đang chia sẻ liên tục các cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh y tế. Có nơi, kẻ lừa đảo còn gửi link khảo sát sức khỏe sau sinh, giả dạng website bệnh viện, yêu cầu điền thông tin cá nhân rồi dẫn dụ sang mua gói thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Nguy cơ trở thành nạn nhân kép
Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Hưng - Chuyên gia bảo mật thông tin, Giám đốc R&D tại Vietnix Hosting - cho biết, những nạn nhân vừa kể trên chỉ là một vài trường hợp điển hình. Còn rất nhiều trường hợp tương tự, sau khi bị lừa đảo, họ có nguy cơ trở thành nạn nhân kép. Bởi nếu số tiền bị lừa mất là từ đi vay tiền họ hàng, gia đình, bạn bè; thậm chí có người còn đi vay lãi nặng, tín dụng đen.
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều nạn nhân từng gặp là quá vội vàng. Kẻ lừa đảo thường cố tình tạo áp lực thời gian hoặc đưa ra những lời mời gọi "có một không hai", khiến người mua gói chăm sóc bị cuốn theo cảm xúc mà không kịp kiểm tra. Chỉ cần một chút chậm lại để kiểm tra thông tin, người dân có thể tránh được những tổn thất không đáng có.
Theo anh Hưng, thay vì giao dịch tự do, người dùng nên lựa chọn các bệnh viện, cơ sở uy tín - nơi có cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng. Nếu bắt buộc phải giao dịch cá nhân, hãy sử dụng bên trung gian có uy tín, đã được cộng đồng xác minh và tin tưởng. Tuyệt đối không đặt niềm tin vào những lời cam kết hay hứa hẹn quá dễ dàng từ phía người gọi. Việc chuyển khoản trước khi kiểm chứng bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Anh Hưng cũng đặc biệt lưu ý đến những dấu hiệu bất thường như: Tài khoản giả mạo sử dụng ảnh người nổi tiếng, thông tin cá nhân không rõ ràng, thường xuyên chỉnh sửa bài viết, từ chối gọi video hoặc không đồng ý gặp mặt trực tiếp. Những dấu hiệu này, nếu xuất hiện đồng thời, là lời cảnh báo rõ ràng nhất để người mua kịp thời dừng lại trước khi quá muộn.
Thực trạng trên cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh nghi vấn các bệnh viện để lộ lọt thông tin của các sản phụ. Liên quan đến vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân trong thời gian qua, Thượng tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) - đã thông tin tới báo chí tại buổi họp báo của Bộ Công an mới đây.
Theo Thượng tá Triệu Mạnh Tùng, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 56 vụ việc liên quan đến hoạt động mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, với hơn 110 triệu bản ghi bị thu thập, rao bán. Tình trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân. Trước hết, nhu cầu thu thập dữ liệu cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh là có thật. Lợi dụng điều đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã tiến hành thu thập trái phép dữ liệu để sử dụng cho mục đích riêng.
Nhiều hệ thống thông tin có hoạt động thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân hiện còn tồn tại lỗ hổng trong quy chế, quy trình khai thác và sử dụng dữ liệu. Điều này dẫn đến nguy cơ dữ liệu bị lộ lọt, đánh cắp hoặc bị khai thác, sử dụng trái phép - không chỉ dữ liệu cá nhân của cán bộ trong hệ thống, mà cả dữ liệu khách hàng mà họ đang quản lý. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như thực hiện quyền của mình đối với dữ liệu vẫn còn hạn chế.