• :
  • :

Bỏ quy định mỗi người chỉ được bán 3 - 5 căn nhà/năm là "sự lắng nghe" kịp thời

Dư luận rất hoan nghênh khi Bộ Xây dựng đã lắng nghe, kịp thời bỏ đề xuất quy định mỗi người kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ chỉ được bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua từ 3 - 5 nhà ở hoặc 3 - 5 căn hộ chung cư trong 1 năm.

Bỏ quy định mỗi người chỉ được bán 3 - 5 căn nhà/năm là

Bộ Xây dựng đã chính thức bỏ đề xuất cá nhân chỉ được mua bán tối đa 5 căn nhà/năm. Ảnh minh họa: Khương Duy

Trước đó, trong bản dự thảo lần 1 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã đề xuất 3 phương án quy định điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ và đối với tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh.

Đáng chú ý là nội dung đề xuất quy định mỗi người kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ chỉ được bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua từ 3 - 5 nhà ở hoặc 3 - 5 căn hộ chung cư trong 1 năm.

Các đề xuất này của Bộ Xây dựng nhận nhiều ý kiến trái chiều trên báo chí, dư luận xã hội mấy hôm nay. Phần lớn các ý kiến cho rằng những đề xuất này là bất hợp lý, khó khả thi và không cần thiết vì rất nhiều lý do.

Việc Bộ Xây dựng đã lắng nghe, kịp thời bỏ những đề xuất trên là kịp thời và đúng đắn. Bởi dự thảo lần 1 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được điều chỉnh những bất hợp lý ở giai đoạn lấy ý kiến. Nên những đề xuất này chưa gây hậu quả cũng như rắc rối pháp lý do chưa “đi vào cuộc sống”.

Quyết định bỏ này cũng được dư luận hoan nghênh tương tự như hồi cuối năm 2023, Ban soạn thảo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bỏ đề xuất khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe máy sau khi nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.

Mặc dù những quy định tréo ngoe hay bất hợp lý, khó khả thi và không cần thiết như thế này cho thấy chất lượng, “tiêu chuẩn chuyên môn” trong việc ban hành các văn bản pháp quy ở một số bộ ngành vẫn chưa được đảm bảo dù có nhiều cố gắng.

Nhưng sự “lắng nghe” như thế này, thêm lần nữa cho thấy công tác xây dựng các chính sách, pháp luật của các bộ ngành gần đây đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Đồng thời chứng tỏ việc “cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân” trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, như quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cho thấy thực chất, có hiệu quả chứ không lấy ý kiến kiểu “có lệ” như thời gian trước!