• :
  • :

Bóng cười sau lệnh cấm: Nơi dừng, chỗ vẫn bán công khai

Dù đã có lệnh cấm, tình trạng sử dụng bóng cười tại các quán bar vẫn tồn tại. Một số nơi dừng hẳn vì sợ kiểm tra, nhưng nhiều tụ điểm vẫn bán công khai.

Nhiều nơi e ngại kiểm tra, đã dừng cung cấp bóng cười

Sau bài phản ánh "Bóng cười, thuốc lá điện tử tiếp tục hoành hành như chưa từng có lệnh cấm" được đăng tải vào ngày 2.6, tối 8.7, chúng tôi tiếp tục liên hệ và khảo sát nhanh tại một số quán karaoke trên địa bàn phường Cầu Giấy (Hà Nội). Phần lớn các cơ sở đều trả lời ngắn gọn rằng "không còn phục vụ bóng cười nữa", hoặc "bên em dừng rồi, giờ làm gắt lắm".

Một nhân viên lễ tân tại quán karaoke nằm trên đường Trần Thái Tông - Cầu Giấy (địa điểm được ghi nhận có tình trạng mua bán và sử dụng bóng cười trong bài đăng ngày 2.6) cho biết: "Từ hồi báo chí phản ánh rồi có đoàn kiểm tra xuống khu vực này, chủ quán cấm tuyệt đối không được gọi bóng cho khách. Giờ khách hỏi cũng không dám gọi ngoài". Một quán karaoke khác tại đường Quan Hoa cũng xác nhận đã dừng hoàn toàn việc cho khách sử dụng bóng cười từ tháng trước.

Tình
Theo ghi nhận trong tối 8.7, tình trạng mua bán và sử dụng bóng cười tại một số quán karaoke nằm trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) đã không còn. Ảnh + Đồ họa: Hạo Thiên

Theo tìm hiểu, ngoài lo ngại bị xử phạt nặng, nhiều cơ sở còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý dè chừng khi lực lượng chức năng liên tục kiểm tra đột xuất. Một chủ quán ở khu vực Cầu Giấy nói: "Khách thì vẫn hỏi bóng, đặc biệt là nhóm trẻ đi đông, nhưng mình không dám bán nữa. Họ có thể quay clip rồi đăng lên mạng, nguy hiểm lắm".

Việc các cơ sở karaoke tự giác dừng bán bóng cười cho thấy hiệu ứng nhất định từ truyền thông và áp lực từ lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần bức tranh mà chúng tôi ghi nhận được.

Một số bar vẫn bán bóng công khai, khách “bay” không che giấu

Trái ngược với tình hình ở một số quán karaoke, tại một số quán bar trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc sử dụng bóng cười vẫn diễn ra khá phổ biến. Ghi nhận thực tế trong đêm ngày 8.7 tại một quán bar nằm trên đường Nguyễn Hoàng (phường Từ Liêm), nhiều nhóm khách vẫn ngang nhiên "hít bóng" giữa tiếng nhạc sôi động.

Tiếng xì xì đặc trưng của bình bơm bóng vang lên liên tục, kèm theo cảnh khách chuyền tay nhau những quả bóng bạc căng đầy khí. Thậm chí, chúng tôi còn ghi nhận được hình ảnh một khách hàng sử dụng quá nhiều rượu bia và bóng cười dẫn đến không thể ngồi vững trên ghế.

Vào đêm ngày 9.7, chúng tôi tiếp tục khảo sát tại một quán bar nằm trên đường Thái Hà (phường Đống Đa), khách hàng tại đây vẫn được sử dụng bóng cười nhưng bóng được chia thành 2 khung giờ để bán, thay vì bán liên tục và công khai như các địa điểm khác. Tại đây, khung giờ sớm (trước 22h30) bóng có giá 139 nghìn/quả; sau khung giờ đó giá sẽ tăng lên từ 149 nghìn/quả.

Một nhân viên phục vụ thẳng thắn nói: "Có đoàn kiểm tra thì mình dừng, không thì cứ phục vụ thôi. Bóng nhập về dễ mà, khách hỏi lúc nào cũng có". Khi được hỏi về lo ngại vi phạm pháp luật, người này khẳng định: "Chủ em bao hết rồi, các anh cứ yên tâm mà sử dụng. Quán em mở mấy năm nay rồi mà có bao giờ bị cái gì đâu".

Không chỉ riêng một quán, trong vòng 2 tiếng khảo sát, chúng tôi ghi nhận thêm ít nhất 3 quán bar tại khu vực Hoàn Kiếm có khách sử dụng bóng cười. Có nơi còn phục vụ theo combo, mỗi bàn có sẵn bình bơm mini và túi bóng ngay dưới gầm bàn.

Tình trạng này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Nếu đã có lệnh cấm, tại sao bóng cười vẫn len lỏi trong các tụ điểm giải trí đông người mà không bị xử lý?

Luật đã rõ, cần siết thực thi

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Trần Thị Thanh Lam - Văn phòng luật sư Chính Pháp - cho rằng, bóng cười có chứa N2O là chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9.10.2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP ngày 18.10.2022 của Chính phủ.

"Như vậy, khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người" - bà Lam nhấn mạnh.

Luật sư Trần Thị Thanh Lam cũng cho biết, trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Nghị quyết 173/2024/QH15, Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Bộ Y tế cũng đã có Công văn 2954/BYT-KCB năm 2019 gửi UBND thành phố Hà Nội quy định về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh. Việc bán, cung cấp bóng cười cho mục đích giải trí là hành vi bị nghiêm cấm.

“Các cơ sở bar, karaoke nếu cung cấp bóng cười cho khách để sử dụng vui chơi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính từ 20-25 triệu đồng theo khoản 6, khoản 8 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm buộc phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp thu được (mức phạt này áp dụng đối với cá nhân). Còn đối với tổ chức mức phạt sẽ tăng lên gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân" - luật sư nói.

Theo Luật sư Trần Thị Thanh Lam, thực tế hiện nay vẫn tồn tại một số cơ sở lách luật bằng cách bán thông qua bên trung gian hoặc để khách tự gọi ngoài mang vào. Do đó, cần có chế tài cụ thể hơn với cả hành vi cung cấp địa điểm, bao che cho người khác sử dụng bóng cười.

“Khi người dân phản ánh, báo chí lên tiếng, lực lượng chức năng phải vào cuộc nhanh và dứt khoát để quy định pháp luật được áp dụng trong thực tiễn” - bà Lam nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, sau phản ánh và tăng cường kiểm tra, một số cơ sở đã thay đổi thái độ và hành vi, nhưng vẫn còn nhiều điểm lách luật hoặc thách thức pháp luật. Sự không đồng bộ trong thực thi khiến hiệu quả quản lý suy giảm.

Bởi vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và cả vai trò của người dân trong giám sát, tố giác vi phạm. Khi tất cả cùng hành động, bóng cười mới thực sự không còn là mối nguy hại tiềm tàng trong đời sống giới trẻ.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...