• :
  • :

Chi phí các khoản thu tự nguyện đầu năm học đè nặng công nhân

“Năm học mới đến gần, con cái thì vui mừng háo hức được gặp lại bạn bè, còn phụ huynh chúng tôi lo lắng với rất nhiều khoản thu tự nguyện lên đến hàng triệu đồng” - chị Phạm Thị Lý (công nhân tại Đồng Nai) chia sẻ.

Chi phí các khoản thu tự nguyện đầu năm học đè nặng công nhân

Thu nhập giảm, khoản học phí đầu năm càng đè nặng lên vai công nhân. Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Chị Phạm Thị Lý (37 tuổi) không giấu nổi gương mặt lo âu khi nói chuyện với mẹ ruột qua điện thoại về học phí của các con. Chị Lý có 2 người con đang gửi bà ngoại chăm sóc, con gái đầu năm nay vào lớp 12, đứa út học mầm non. Bao nhiêu khoản phí đầu năm học cứ thế ùa về trong khi thu nhập giảm sút do công ty ít việc khiến chị không khỏi lo lắng.

Trao đổi với Lao Động, chị Lý cho biết, nhiều lần bà ngoại cho các cháu đi học hè nghe ngóng được năm nay trường mầm non của đứa út tăng rất nhiều khoản phí. Đắt đỏ nhất chính là phí xây dựng mái tôn khu vui chơi, phí mua tủ đựng đồ, phí mua thêm bình nóng lạnh, phí đồng phục…

Chị Lý cho biết năm học mới trung bình học phí cho cả hai con khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC.

Chị Lý cho biết, trung bình học phí cho cả hai con năm học mới khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC

“Các khoản trên tăng lần lượt là 280.000 đồng, 100.000 đồng, 90.000 đồng và 100.000 đồng. Năm học cuối cấp nên đứa út cũng phải mua thêm một số loại sách vở và dụng cụ học tập đặc biệt vì nhà trường không hỗ trợ” - nữ công nhân cho hay.

Khoản chi phí phát sinh cộng với tiền ăn hàng tháng 22 buổi (374.000 đồng), tiền cấp dưỡng, tiền trông nom buổi trưa, tiền học phí, tiền điện nước, tiền quỹ lớp… tổng cộng lên đến 1 triệu đồng/tháng. Chị Lý còn nghe được thông tin năm nay tiền học cũng tăng từ 90.000 đồng lên 150.000 đồng/tháng càng khiến chị khó ngủ mỗi khi nghĩ đến.

Với người con gái lớn, chưa đến đầu năm học mới nhưng một số thầy cô đã nhắc đến việc tổ chức ôn nâng cao buổi tối. Phần lớn các bạn cùng lớp đều đăng ký, thêm nữa năm cuối cấp phải chuẩn bị sớm nên con chị đã quyết định đăng ký.

Ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ mỗi tháng cũng tốn thêm của chị 600.000 đồng. Đó là chưa kể tiền gửi xe, tiền mua sách vở, tiền xăng cho con đi học, tiền quỹ lớp… càng nghĩ lại càng khiến chị đau đầu.

Đặc biệt, năm nay tiền bảo hiểm y tế cho con gái lớn tăng từ 563.000 lên 680.000 đồng cũng khiến chị lo âu. Nhẩm tính nhanh khi cộng tất cả các khoản của hai con, nữ công nhân ước tính mỗi tháng hết bay 2,5 triệu đồng.

Chị Lý cho hay, như năm ngoái, công việc có phần ổn định hơn, chị còn có thể lo cho con ăn học, năm nay thu nhập giảm sút, chị phải nghĩ cách đi vay mượn tiền để đóng học cho con.

Hơn 2 tháng nay, công ty ít việc phải giảm giờ làm, không có tăng ca nên thu nhập chỉ được có 5,5 triệu đồng mỗi tháng.

Ngày khai giảng, các con háo hức đến trường cũng là lúc phụ huynh lo lắng nhất về các khoản thu đầu năm. Ảnh minh họa: Vân Trường.

Ngày khai giảng, các con háo hức đến trường cũng là lúc phụ huynh lo lắng nhất về các khoản thu đầu năm. Ảnh minh họa: Vân Trường

Do đó, chị đã phải cùng chồng nhập thịt heo về bán lúc chiều tối và ngày cuối tuần để cải thiện thu nhập. Đồng thời, hai vợ chồng chị vẫn quyết định để các con theo học tại quê ngoại Nam Định, không dám để con sống cùng bố mẹ ở Đồng Nai.

Khoản thu cứ tăng, cứ phát sinh, nỗi lo cứ chồng chất khiến nhiều lao động thu nhập hạn chế hoặc giảm sút như chị Lý nhiều đêm mất ngủ khi ngày khai giảng sắp cận kề.