Công an tỉnh Tuyên Quang chủ động đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng
Những năm gần đây, an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao là mặt trận “nóng” và phức tạp. Các loại tội phạm truyền thống tận dụng những tiến bộ của công nghệ và phát triển của mạng internet để có nhiều phương thức hoạt động mới, thủ đoạn tinh vi hơn. Trước những thách thức đầy cam go đó, lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về an ninh mạng, sử dụng công nghệ cao.
Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội ý chuyên đề nghiệp vụ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh trong bài: Công an tỉnh Tuyên Quang) |
Chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh
Tại Việt Nam, những năm gần đây, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Trên cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận, chỉ tính năm 2023, có gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tội phạm lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có những diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân trên địa bàn.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Chung, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang: “Bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, Công an tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tấn công, trấn áp hiệu quả tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm kinh tế và đặc biệt tập trung nắm tình hình chủ động phát hiện đấu tranh hiệu quả các tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội. Nổi bật là chúng tôi cũng đã xác lập đấu tranh thành công chuyên án lớn về mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng; triệt phá đường dây mua bán vận chuyển ma túy tổng hợp, ma túy “núp bóng” liên tuyến, liên tỉnh; đấu tranh làm rõ các chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng ngoại tỉnh thực hiện trên địa bàn”.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Tuyên Quang, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ điều tra, làm rõ các vụ án về trật tự xã hội đạt 96,34%; riêng tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 98,72%. Còn về công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, chỉ trong năm 2023, lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện, triệt phá 38 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao (vượt 1.166,67% so với năm 2022).
Năm 2024, công tác đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng của Công an tỉnh Tuyên Quang đạt được nhiều kết quả tích cực, với những thành tích điển hình như đã kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh, làm rõ thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng (hoạt động liên tỉnh, không gặp mặt trực tiếp, chỉ liên lạc qua tài khoản Telegram đăng ký bằng số điện thoại không chính chủ) và làm rõ toàn bộ đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh, thành phố trên cả nước; bước đầu đã làm rõ hành vi phạm tội của 11 đối tượng ở 5 tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Lâm Đồng, Thái Nguyên và Phú Yên), phát hiện trên 20.000 hóa đơn điện tử trái phép với tổng số tiền hóa đơn trên 500 tỷ đồng.
Không những thế, lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang còn phá thành công Chuyên án truy xét đấu tranh làm rõ các hoạt động của nhóm đối tượng lợi dụng không gian mạng (ứng dụng Telegram) và dịch vụ vận chuyển hàng hoá “Logistics” để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy liên tỉnh, bắt giữ 10 đối tượng và thu giữ gần 10kg ma túy các loại;…
Lãnh đạo Công an tỉnh kiểm tra hoạt động của hệ thống camera an ninh tại Trung tâm thông tin chỉ huy Công an tỉnh. |
Những thách thức trong tình hình mới
Trong thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm nhất là tội phạm hoạt động trên không gian mạng, lực lượng cảnh sát điều tra tỉnh Tuyên Quang cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như tội phạm tiếp tục có sự chuyển dịch từ phương thức thủ đoạn truyền thống sang hiện đại, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại và đối tượng phạm tội có tính ẩn danh trên các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng không gian mạng để trao đổi thông tin, giao dịch, tìm kiếm lôi kéo nạn nhân mà không cần gặp mặt trực tiếp nên dễ dàng che giấu hành vi thông tin cá nhân.
“Các đối tượng sử dụng các tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán ảo, mạo danh là nơi trung gian giao dịch thanh toán gây khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh. Bên cạnh đó, công tác quản lí số điện thoại tài khoản ngân hàng hiện nay chưa đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên khó khăn trong việc xác minh điều tra tội phạm. Hiện nay, chưa có cơ chế phong tỏa tài khoản ngân hàng ngay khi có tin báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ khi có văn bản đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra trong quá trình tố tụng thì mới thực hiện khiến việc phong tỏa tài khoản không được thực hiện kịp thời nhanh chóng. Vậy nên, trên thực tế thì đến khi phong tỏa tài khoản thì tài sản đã không còn. Một vấn đề nữa là công tác phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản trên nền tảng mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử còn chậm, không đầy đủ theo yêu cầu cơ quan điều tra cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều tra thu hồi tài sản” - Đại tá Nguyễn Thành Chung chia sẻ.
Có thể nhận định tội phạm trên không gian mạng phần nhiều là những người có tri thức, am hiểu về công nghệ thông tin; mặt khác, lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, sử dụng các số điện thoại ảo, tài khoản ngân hàng ảo, tài khoản mạng xã hội ảo, thậm chí là thông tin con người ảo… để thực hiện hành vi phạm tội.
Một thách thức nữa đó là việc nhận diện được sự chuyển dịch của tội phạm đang dần chuyển từ truyền thống sang sử dụng công nghệ cao, theo các báo cáo thống kê, hiện nay, phần lớn tội phạm kể cả lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma tuý… đều có xu hướng chuyển dịch sử dụng công nghệ cao để phạm tội. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất mà lực lượng an ninh mạng nói riêng và lực lượng công an nói chung đang phải đối mặt đó là nhận diện được sự chuyển dịch của tội phạm để từ đó chủ động tham mưu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Chung, với phương châm hành động: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, quyết tâm xây dựng Công an Tuyên Quang thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong thời gian tới, Ban Giám đốc công an tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung chỉ đạo toàn lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các giải pháp, biện pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; giám sát chặt chẽ không gian mạng, chủ động nhận diện, kiểm soát tình hình chuyển dịch của tội phạm và vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
“Đối với lực lượng Công an Tuyên Quang, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả các mặt công tác, trong đó là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới” - Đại tá Nguyễn Thành Chung nhấn mạnh.
Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên được Bộ Công an chọn làm điểm để triển khai hệ thống Signet (hệ thống liên lạc bảo mật). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng Internet, xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng là vấn đề mang tính thời sự và thực tiễn cấp bách. Hiện nay, Hệ thống Signet đã được triển khai cài đặt và vận hành khai thác, sử dụng đến 100% cán bộ Công an tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo 35 tỉnh; đang triển khai điểm theo ngành dọc Sở Giáo dục, Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở (ngành Giáo dục hiện có 467 kênh, trang; Đoàn Thanh niên các cấp có 300 kênh, trang; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có 152 kênh, trang trên không gian mạng…).