• :
  • :

Đa dạng các hình thức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều học sinh chọn hướng đi phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình bằng việc dự tuyển học nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều trường cũng đẩy mạnh đa dạng hóa phương thức tuyển sinh là để phù hợp với các chương trình đào tạo.

Dần khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 103.000 thí sinh không tham gia xác nhận nhập học đại học (đợt 1) năm 2022. Nhiều thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT từ 24-26 điểm nhưng từ chối việc học đại học.Thay vào đó, một số thí sinh chọn nộp hồ sơ vào học các trường cao đẳng hoặc trực tiếp học nghề.

Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng bởi so với những năm trước đây, thị trường lao động Việt Nam luôn rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Đa dạng các hình thức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Nhiều thí sinh từ chối việc học đại học mà lựa chọn đăng ký các trường nghề để phù hợp với năng lực

Điều này đã dẫn đến một nghịch lý là nhiều cử nhân ra trường không xin được việc làm phải “cất bằng” để quay lại đi học nghề. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài lại đang rất “khát” các lao động có tay nghề cao.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" kéo dài trong đó có nguyên nhân từ định kiến xã hội, coi trọng bằng cấp. Cha mẹ luôn muốn con mình phải có trong tay "tấm bằng Đại học" để thể hiện sự đỗ đạt thành tài. Chỉ khi nào các em thi trượt đại học, hoặc một số em có hoàn cảnh khó khăn và các học sinh có học lực trung bình mới đủ “can đảm” thi và đăng kí vào các trường, các trung tâm dạy nghề.

Bên cạnh đó, công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các trường THCS tổ chức những ngày hội Tư vấn hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp… nhằm tuyên truyền về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào học giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, tạo việc làm, khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người học lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Những ngày hội hướng nghiệp cũng là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu trực tiếp, đầy đủ đến các em học sinh phổ thông và các bậc phụ huynh về tiềm năng, thế mạnh, ngành nghề, quy mô đào tạo, phương thức tuyển sinh của các trường, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước, trực tiếp tư vấn cho học sinh và người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, tạo tâm thế sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Mở lối tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp bằng mạng xã hội

Số thí sinh đăng ký vào các trường nghề tăng có nguyên nhân là thời gian học, thực hành, thực tập hợp lý và khả năng tìm việc làm cao hơn khi các trường đều liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hành và tạo đầu ra cho học viên. Đầu ra việc làm và thu nhập là điều kiện để các em quyết định lựa chọn học nghề thay vì suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất" như trước kia.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, dù gặp khó khăn về dịch bệnh nhưng các địa phương, các trường đã đổi mới phương thức tuyển sinh và đào tạo nhằm thu hút học sinh sinh viên học nghề.

Ảnh minh học

Ảnh minh họa

Để bảo đảm công tác tổ chức đào tạo, các trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp.

Theo báo cáo, đã có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh cũng có nhiều đổi mới. Đầu tiên chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp liên quan đến ngành nghề, quy định quy chế chính sách hỗ trợ cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đa dạng hóa trong công tác truyền thông.

"Nhiều trường xây dựng chương trình tuyển sinh thông qua các kênh truyền thông độc đáo như tiktok, facebook...; tổ chức ngày hội tuyển sinh nhằm thu hút học sinh học nghề”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bằng mạng xã hội như: Facebook, TikTok... là điều rất cần thiết. Qua đó, giúp học sinh có cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, song song với tuyển sinh thì cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo một cách đồng bộ từ hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên… Từ đó, tạo thuận lợi trong quảng bá, tuyên truyền đến người dân, giúp người dân có cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp.

Lượt xem: 18
Tác giả: Phương Thu
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...