• :
  • :

Đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức tuyên truyền pháp luật gần gũi với người dân hơn

Các chuyên gia đồng quan điểm rằng, để Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống thì hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức gần gũi với người dân hơn như giới thiệu tại các buổi tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề; Tuyên truyền qua các mạng xã hội như facebook, youtube, zalo; Xây dựng các hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát... lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Ngày 9/11, Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp cùng báo Kinh tế và Đô thị tổ chức toạ đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, trong những năm qua và đặc biệt từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được triển khai một cách thuận lợi.

Đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức tuyên truyền pháp luật gần gũi với người dân hơn
Quang cảnh tọa đàm

Theo đó, để luật sớm đi vào cuộc sống, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 17/1/2013 triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành lập Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố.

Hằng năm, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch hưởng ứng "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật; Tư vấn hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức mít tinh, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến).

Từ năm 2013 đến tháng 6/2022, thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 82.207 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với trên 13.125.091 lượt người dự. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ thành phố đến cơ sở được thực hiện bằng nhiều hình thức: Từ tổ chức các cuộc thi, từ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hoạt động hoà giải ở cơ sở, qua công tác xét xử, lồng ghép trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật…

Phát biểu tham luận, bà Đặng Thanh Tâm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Hàng Đào chia sẻ, việc tuyên truyền, PBGDPL của UBND phường tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn phường. Theo đó, phường đã tổ chức một số hoạt động như hội nghị tuyên truyền pháp luật với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn phường; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ và sinh hoạt tổ dân phố…

“Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý sẽ giúp các đối tượng nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn phương pháp xử sự các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, hướng dẫn công dân, tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật”, bà Tâm chia sẻ.

Đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức tuyên truyền pháp luật gần gũi với người dân hơn
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đổi mới thường xuyên theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng vào thực tiễn cuộc sống; Tăng cường câu hỏi, giao lưu, giải đáp các tính huống thực tế tại hội nghị để tạo sự thu hút của người dân đối với chương trình.

“Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần được đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức gần gũi với người dân hơn như giới thiệu tại các buổi tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền qua các mạng xã hội như facebook, youtube, zalo; xây dựng các hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát... lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng”, ông Hà nhấn mạnh.

Các diễn giả tham luận tại tọa đàm cho rằng, trong công tác PBGDPL cần lựa chọn những vấn đề nóng, thời sự mà người dân trên địa bàn quan tâm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tìm ra cách thức tuyên truyền cho phù hợp, nhằm thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia nhằm lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Lượt xem: 52
Tác giả: Trí Nhân