• :
  • :

Đổi mới việc thu phí công đoàn để chăm lo người lao động tốt hơn

Công đoàn tỉnh Cao Bằng đang tìm cách gỡ khó trong công tác thu kinh phí công đoàn ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Đổi mới việc thu phí công đoàn để chăm lo người lao động tốt hơn

Hoạt động chăm lo người lao động của Công đoàn tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Bàn Thương

Bài toán khó

Trong những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Tuy nhiên, việc thu phí công đoàn các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn tại địa phương vẫn là một “bài toán” khó.

Nhận thức của nhiều doanh nghiệp về trích đóng kinh phí công đoàn còn rất hạn chế, cố tình trây ỳ, không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; mặt khác, việc tiếp cận các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở rất khó khăn do địa chỉ không rõ ràng, không tìm được doanh nghiệp, không giám sát được số đoàn viên và số lao động.

Chiếm đa số trong nhóm này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lao động quá ít, lao động không có việc làm thường xuyên, nghỉ việc, lương thấp, đời sống khó khăn, làm ảnh hưởng đến thu kinh phí công đoàn và ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Để thực hiện có hiệu quả trong công tác thu kinh phí công đoàn 2% của các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, LĐLĐ tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung các giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ công đoàn và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về việc thu, trích đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, xác định quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp để làm căn cứ thu đúng, thu đủ kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác tổ chức.

Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan

Ngày 12.3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Phúc Thành - Chủ tịch LĐLĐ TP Cao Bằng - chia sẻ: “Việc thu phí công đoàn cần sự phối kết hợp của nhiều cơ quan, đặc biệt là UBND các huyện, thành phố. Tổ chức công đoàn chỉ tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phân bổ nguồn kinh phí.

Thời gian tới, để giải quyết “bài toán” thu phí công đoàn ngoài hệ thống, việc tham mưu và chỉ đạo sát sao của Phòng Tài chính - Kế hoạch cùng UBND huyện sẽ đóng vai trò chủ đạo. Tiếp đó, việc lồng ghép thu phí công đoàn cùng phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... ngay từ khi xin phép thành lập doanh nghiệp cũng rất cần thiết”.

Tổ chức công đoàn cũng cần chủ động, tích cực trong việc tham gia với các cơ quan chức năng của Nhà nước để có sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước gồm các cơ quan thuế, bảo hiểm... trong việc cung cấp thông tin về quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp có liên quan đến việc xác định số liệu về kinh phí công đoàn 2% phải trích đóng để đưa vào kế hoạch dự toán hàng năm đúng quy định.

Tất cả những hoạt động kể trên đều nhằm mục đích doanh nghiệp sẽ chăm lo cho người lao động tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ tổ chức các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Cao Bằng cũng nhấn mạnh, việc thu phí công đoàn theo các quy định hiện hành sẽ tạo ra một nguồn lực cần thiết để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, thu hút ngày càng đông đảo người lao động tham gia công đoàn, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đóng góp trực tiếp vào các thành tựu kinh tế - xã hội...