• :
  • :

Hungary đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh

Tới nay, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh có trình độ về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và các lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 27/6 (theo giờ địa phương), tại Trường Đại học Eötvös Loránd, Thủ đô Budapest, Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam-Hungary.

Phát biểu chào mừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng Việt Nam và Hungary là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về truyền thống văn hóa, lịch sử. Trải qua hơn 72 năm quan hệ hợp tác và phát triển, hai nước Việt Nam và Hungary đều đã đạt được những thành tựu quan trọng, vượt bậc trên tất các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp đặc biệt ở lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Hungary.

Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Hungary và Việt Nam năm 2013 là một minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai bên, nhất là từ khi hai bên nâng cấp quan hệ hợp tác lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018.

Có hơn 600 du học sinh Việt Nam đang học tập, công tác tại Hungary; trong đó, mỗi năm Hungary dành cho Việt Nam 200 suất học bổng.

Tới nay, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh có trình độ về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và các lĩnh vực, trong đó, nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị của Việt Nam, các nhà khoa học trong các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nhân thành đạt trên các lĩnh vực. Đây là những nền tảng, là vốn quý tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Hungary trong giai đoạn tới.

Hungary đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chào mừng

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, đang ở thời điểm dân số vàng; luôn coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong những năm qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo. Chất lượng giáo dục của Việt Nam có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đã có nhiều trường đại học của Việt Nam được xếp hạng trong 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới tại các bảng xếp hạng uy tín năm 2022. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo được mở rộng tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng cho biết, Diễn đàn có sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người lãnh đạo trưởng thành từ ngành Giáo dục và luôn dành sự quan tâm đối với lĩnh vực này. Đặc biệt, kết quả chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tới Hungary và các văn kiện được ký kết tại Diễn đàn sẽ mở ra thời kỳ mới, đẩy nhanh hơn nữa, hiện thực hóa các cam kết, các mục tiêu trong hợp tác phát triển giáo dục Việt Nam – Hungary.

Tại Diễn đàn, thay mặt Đoàn công tác cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng trao đổi một số nội dung.

Theo đó, trước mắt, các cơ quan của Việt Nam và Hungary cần thúc đẩy hợp tác để thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về giáo dục đã ký kết. Hungary là quốc gia có thế mạnh về đào tạo các ngành như: y dược, điện tử, năng lượng, văn học nghệ thuật, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, pháp luật… Đây cũng là những ngành, những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp đổi mới của đất nướcc.

Do vậy, về lâu dài, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cần xây dựng các giải pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác giáo dục giữa hai nước trong những lĩnh vực trên. Đặc biệt là tăng cường tổ chức các chuyến công tác, các đoàn của các trường đại học, các viện nghiên cứu để khảo sát thực tế, học hỏi lẫn nhau; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tiến độ hợp tác của từng ngành, từng lĩnh vực, từng trường đại học đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả...

Ông Balazs Hanko, Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Đổi mới Hungary bày tỏ tự hào khi nói về hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Hungary và Việt Nam; khẳng định trên nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp này, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong tương lai.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, hai bên sẽ tiếp tục xây dựng các mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng có hiệu quả thực chất, từ đó tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai bên. Cùng với đó, tăng cường đổi mới hợp tác văn hóa cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Hungary.

Thông qua các chương trình hợp tác đào tạo của Chính phủ Hungary, hằng năm có khoảng 200 sinh viên Việt Nam đã tham gia chương trình ở các lĩnh vực y tế, luật, kiến trúc, lâm nghiệp, khoa học kỹ thuật…

Hungary đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hungary đã chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các trường đại học của hai nước

Tại Diễn đàn lần này, đại diện trường đại học của Việt Nam và Hungary đã có những phát biểu tham luận tập trung vào một số chủ đề, như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh); Hợp tác trong y dược giữa Việt Nam và Hungary (Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội).

Tiến sĩ Attila Fábián, Hiệu trưởng trường Đại học Sopron thuyết trình về lĩnh vực đổi mới và số hóa. Tiến sĩ Attila Szabo, Hiệu trưởng trường Semmelweis University thuyết trình về lĩnh vực y học. Tiến sĩ Zoltán Dubéczi, Tổng Thư ký Hiệp hội Hiệu trưởng Hungary trình bày về thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các trường đại học Hungary…

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tất cả các ý kiến đều đánh giá cao và dự báo trong thời gian tới, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Sau quá trình chuẩn bị, các trường đại học của Việt Nam với các trường đại học của Hungary đã ký kết 9 văn bản ghi nhớ hợp tác. Các biên bản ghi nhớ có nội dung sẽ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tại Diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hungary đã chứng kiến lễ trao 9 Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học của hai nước.

Đó là các trường Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Eotvos Lorand, Đại học Szeged; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Obuda; Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trường Đại học Obuda; Trường Đại học Mỏ địa chất và Trường Đại học Obuda; Trường Đại học Y dược Hồ Chí Minh và Trường Đại học Semmelweis; Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Corvinus, Budapest; Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Eötvös Loránd; Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Eötvös Loránd.

Cùng ngày, tại Thủ đô Budapest, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm Nhà Quốc hội và dự khán phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary; dự chiêu đãi chính thức của Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér.

Lượt xem: 82
Tác giả: Tuấn Kiệt
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...