Người không quốc tịch sinh sống ổn định tại Việt Nam sẽ được cấp CCCD?
Bộ Công an vừa hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến, trong đó đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào CSDLQG về dân cư thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm có dự thảo Báo cáo Tổng kết Luật Căn cước công dân; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Báo cáo Tổng kết Luật Căn cước công dân cho biết, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề...
Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước.
Việc cấp CCCD gắn chip cho người dân đã được triển khai mạnh mẽ thời gian qua |
Luật Căn cước công dân hiện nay cũng không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chip điện tử và mã QR code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ Căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều đơn vị chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
Vì vậy, trên cơ sở rà soát Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân.
Trước hết, đó là việc bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về căn cước công dân) vào thẻ Căn cước công dân và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp; bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp...
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất chỉnh lý quy định về Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và bổ sung các nhóm thông tin vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Theo đó bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).