• :
  • :

Khi người tiêu dùng “tiếp tay” cho hàng giả tồn tại

Chỉ cần vào Facebook hay các trang mạng xã hội, chúng ta thấy ngập tràn người kinh doanh online. Hàng hóa nào cũng có. Chỉ cần nhấp chuột, chọn hàng, chuyển khoản, khách hàng đã có sản phẩm mình cần. Tuy nhiên, điều lạ, hiếm ai quan tâm đến “nguồn gốc” thực, đa số mua bằng niềm tin. Còn trên thị trường cũng vậy. Mua một sản phẩm dù rẻ tiền nhưng gán mác hàng cao cấp, khách hàng cũng chẳng quan tâm. Đây cũng chính là những “mảnh đất” màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái trà trộn; thậm chí lên ngôi!

Người tiêu dùng dễ “thỏa hiệp” với hàng giả

Dạo quanh một vòng chợ Phùng Khoang (Hà Đông), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy)…thậm chí, ngay cả đến các cửa hàng “bán đồ hiệu” trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô, người tiêu dùng không khó để bắt gặp những chiếc túi Hermès, Chanel, LV, hay đến các thương hiệu giày dép, quần áo thời trang Adidas, Nike… có giá chỉ từ vài chục, vài trăm nghìn đồng, cho đến vài triệu đồng/chiếc. Điều đáng nói, dù biết là hàng giả, hàng gian lận thương mại, nhưng không ít người tiêu dùng lại “tặc lưỡi” lựa chọn với sự hào hứng, đặc biệt là khi sở hữu được một sản phẩm giả, nhái có mức giá “rẻ”.

Khi người tiêu dùng cũng là “kênh” cho hàng giả tồn tại
Dù cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ vi phạm hàng giả, hàng gian lận thương mại nhưng vấn nạn này vẫn còn nhức nhối.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, một trong những lý do để hàng giả, hàng gian lận thương mại và không rõ nguồn gốc xuất xứ tồn tại là do một bộ phận người tiêu dùng dễ “bằng lòng” và thỏa hiệp với các sản phẩm hàng giả. Và thực tế “có cầu thì mới có cung”, trong khi Chính phủ đã có nhiều chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực vào cuộc “dẹp” hàng giả, hàng gian lận thương mại; nhưng nhiều người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua, dù biết người chịu thiệt hại trước tiên là mình.

Anh Tuấn ở Kim Giang, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, các sản phẩm túi xách, quần áo, giày dép... “fake” có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật, hơn nữa những sản phẩm này chưa ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến sức khỏe người dùng, nên có thể cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: Thực phẩm, mỹ phẩm, nước hoa... thì sẽ tìm và mua hàng chính hãng.

Một thống kê gần đây của Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, có đến 80% người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, là hàng không rõ nguồn gốc, nhưng vì nhu cầu sính hàng thương hiệu, thích làm đẹp, thích giá rẻ, nên rất nhiều người đã chấp nhận và thỏa hiệp với... hàng giả. Điều này vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng. Đồng thời, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Cần điều chỉnh thói quen tiêu dùng

Trên thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được các đối tượng gian thương sản xuất trong nước, mà nhiều đối tượng còn đặt hàng sản xuất ở nước ngoài, rồi đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu bằng nhiều hình thức. Trên thị trường cứ mặt hàng nào tiêu thụ mạnh, được ưa chuộng là ngay lập tức có hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc người tiêu dùng gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đã góp phần dung dưỡng cho các hành vi, các đối tượng vi phạm pháp luật.

Đề cập đến vấn đề hàng giả, hàng gian lận thương mại… Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cạnh tranh ngay với chính sản phẩm giả thương hiệu của mình, nhưng lại có giá rẻ hơn nhiều lần. Nguy hiểm hơn, hàng giả còn làm mất lòng tin và uy tín của đối tác, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi hàng giả quá nhiều trong nội địa, khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Cũng theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80%-90% hàng giả được mua - bán trên mạng. Đây là một mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều. Do vậy theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.

Cũng bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng là một mắt xích quan trọng nhất. Khi người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay thì hàng giả, hàng gian lận thương mại… sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Hơn thế, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, thì hàng gian, hàng giả cũng sẽ không có đất sống và việc này cũng bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng và góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

Được biết, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, bên cạnh hoạt động chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ cuối năm 2018 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc nói không với hàng giả.

Nổi bật trong công tác đó là việc mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hà Nội để cung cấp những kiến thức cơ bản cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả của nhiều sản phẩm hàng hóa, từ đó, góp phần nâng cao ý thức người tiêu dùng, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả.

“Tổng cục Quản lý thị trường sẽ mở cửa thường xuyên Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả theo tháng, theo quý với những chủ đề, sản phẩm hàng hóa khác nhau, từ đó, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin nhận diện và trở thành những người tiêu dùng thông thái”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Tuấn Minh

Lượt xem: 6
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết